Tin tặc Trung Quốc liên tục tấn công hệ thống liên lạc vệ tinh của Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một báo cáo của Mỹ cáo buộc các tin tặc Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào hệ thống liên lạc vệ tinh của Ấn Độ từ năm 2007 đến năm 2018. Truyền thông Ấn Độ dẫn lời Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) xác nhận rằng họ đã bị tấn công, nhưng các hệ thống liên quan đang hoạt động độc lập, cho tới nay không bị hư hại gì.
Báo cáo của một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho biết các tin tặc Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào hệ thống liên lạc vệ tinh Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
Báo cáo của một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho biết các tin tặc Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào hệ thống liên lạc vệ tinh Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).

Theo các trang tin Newtalk, Đông Phương ngày 24/9, Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ (US-based China Aerospace Studies Institute) mới đây đã công bố một báo cáo dài 142 trang nói Trung Quốc từ năm 2007 đến 2018 đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào Ấn Độ, trong đó có vụ cuộc tấn công mạng máy tính của hệ thống thông tin vệ tinh trong năm 2017 nhằm phá hủy hệ thống liên lạc vệ tinh của Ấn Độ.

Báo cáo cũng cho biết PLA đang tiếp tục áp dụng các công nghệ mới cho chiến tranh mạng toàn diện chống lại Ấn Độ, bao gồm thao túng dữ liệu, can thiệp chính trị và ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, dầu khí, năng lượng (bao gồm cả năng lượng hạt nhân) và không gian.

Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông Ấn Độ như Business Today ngày 23/9 đưa tin, ông K. Sivan, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), đã phủ nhận những vụ tấn công mạng này ảnh hưởng đến dữ liệu hoặc hoạt động của ISRO.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin về việc tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống liên lạc vệ tinh Ấn Độ (Ảnh: The Time of India).
Truyền thông Ấn Độ đưa tin về việc tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống liên lạc vệ tinh Ấn Độ (Ảnh: The Time of India).

Ông Siwan thừa nhận, trong mấy năm qua, các cuộc tấn công mạng nhắm vào ISRO vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng hệ thống ISRO cho đến nay vẫn chưa bị tổn hại. Ấn Độ có một hệ thống mạng độc lập, không kết nối với các hệ thống mạng công cộng bao gồm Internet v.v. nhằm đảm bảo tính bảo mật của hệ thống.

Những nhân sĩ trong ISRO nói với Times of India, thực sự đã có các cuộc tấn công mạng vào không gian và hệ thống vệ tinh của Ấn Độ trong nhiều năm, nhưng không thể xác định được nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng, song các mối đe dọa mạng đã bị loại bỏ.

Một nhà khoa học cấp cao tại ISRO cũng nói: “Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống cảnh báo. Chúng tôi cho rằng mình chưa bao giờ bị đe dọa. Người Trung Quốc có thể đã thử, nhưng họ đã thất bại”.

Sau cuộc đối đầu giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông Ladakh vào đầu tháng 5, tất cả các giới ở Ấn Độ đã chú ý nhiều hơn đến việc Trung Quốc xâm nhập và phá hoại Ấn Độ thông qua các lĩnh vực khác nhau, trong đó có việc sử dụng tiền để mua chuộc các chính trị gia Ấn Độ, các học giả tư vấn. Hai đảng   chính trị lớn ở Ấn Độ gần đây đã công kích nhau nhận các khoản tiền quyên tặng  từ Trung Quốc.

ISRO có kế hoạch đưa người Ấn Độ lên Mặt Trăng vào năm 2022 nhân dịp 70 năm Quốc khánh (Ảnh: ISRO).
ISRO có kế hoạch đưa người Ấn Độ lên Mặt Trăng vào năm 2022 nhân dịp 70 năm Quốc khánh (Ảnh: ISRO).

Ngoài ra, do lực lượng không gian mạng thuộc quân đội Trung Quốc thường xuyên tấn công mạng và hệ thống máy tính cơ sở hạ tầng của các nước dân chủ để lấy cắp bí mật và dữ liệu cá nhân của các nhân vật có ảnh hưởng, nên Ấn Độ cũng lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng công nghệ thông tin để lấy cắp dữ liệu cá nhân của công dân Ấn Độ, thông qua Internet tấn công các cơ sở hạ tầng về thủy điện và thiết bị liên lạc không gian khác; đồng thời Ấn Độ cũng đã áp dụng các biện pháp đối phó.

Trước việc Ấn Độ cũng như một số nước cáo buộc Trung Quốc trong vấn đề an ninh mạng, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc  đã tuyên bố trong một cuộc họp báo vào đầu tháng 6 năm nay: “Trung Quốc là nước kiên định bảo vệ an ninh mạng và cũng là một trong những nạn nhân lớn nhất của các cuộc tấn công của hacker. Chúng tôi luôn kiên quyết phản đối và trừng phạt mọi hình thức tấn công của tin tặc mạng theo quy định của pháp luật. Lập trường này là nhất quán và rõ ràng” (!).