Trao đổi với VietTimes trưa nay (12/11), lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xác nhận Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho ý kiến về chủ trương xây dựng Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, với một số yêu cầu bổ sung sửa đổi đi kèm.
“Bộ mới chỉ ở bước có ý kiến với quy trình theo Luật Đầu tư về kinh doanh vận chuyển hành khách, chưa phải là thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh theo Luật Hàng không nên chưa thể nói gì hơn”, vị này cho biết qua điện thoại.
Trước đó, truyền thông trong nước đã đưa tin về việc Bộ GTVT đánh giá dự án Cánh Diều đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa, bổ sung.
Cụ thể Bộ GTVT đề nghị Hãng hàng không Cánh Diều giảm số lượng máy bay dự kiến vào năm 2025 từ 30 chiếc xuống khoảng 20-25 chiếc. Đồng thời yêu cầu Công ty Thiên Minh nghiên cứu, xây dựng đường bay dự kiến phù hợp với cơ sở hạ tầng hàng không hiện tại. Bên cạnh đó, có kế hoạch mở rộng nâng cấp các sân bay mà Cánh Diều dự kiến khai thác.
Một yếu tố khác mà Hãng bay Cánh Diều cần lưu ý là vị trí đỗ máy bay qua đêm. Ví dụ như với sân bay Chu Lai – một sân bay có dung lượng thị trường thấp, việc tổ chức khai thác sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hãng.
Về điều kiện thành lập hãng bay, Bộ GTVT cũng cho biết Công ty Thiên Minh chưa đáp ứng được quy định về số vốn tối thiểu. Theo quy định tại nghị định số 92/2016/NĐ-CP, vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỉ đồng. Dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều có tổng vốn 1.000 tỉ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỉ đồng.
Bộ GTVT đề nghị Công ty Thiên Minh có báo cáo và hồ sơ liên quan đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, phương án đảm bảo tài chính, từ đó luôn đáp ứng về điều kiện mức vốn tối thiểu theo quy định.
Theo dự kiến, năm 2020, Hãng hàng không Cánh Diều sẽ bay với 6 tàu ATR 72 rồi tăng dần số lượng lên 30 vào năm 2025. Hãng chủ yếu chọn các đường bay nhánh từ miền Trung đi Nam Trung Bộ, Nam Bộ, mà không chọn các đường bay trọng điểm mà các hãng khác đang khai thác mạnh như Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng...
Cụ thể các đường bay hãng dự kiến khai thác gồm Tân Sơn Nhất - Côn Đảo, Nội Bài - Điện Biên/Vinh/Chu Lai. Trong đó, Chu Lai (Quảng Nam) được hãng này lựa chọn làm sân bay căn cứ. Mỗi tuần sẽ có hàng chục chuyến bay từ các điểm nói trên đến các sân bay địa phương và sau đó là quốc tế./.