Hội thảo “Thiết kế đô thị và quy hoạch, tổ chức hoạt động giao thông thân thiện, bền vững cho TP Đà Nẵng” đã được tổ chức vào ngày 3/3, tại Đà Nẵng, nhằm đưa ra các đề xuất, giải pháp quy hoạch đô thị và giao thông bền vững cho TP này.
Đô thị bền vững cần có giao thông thân thiện với con người
Với tham luận "Một, hai, ba, dô! Làm cho bạn hạnh phúc hơn? Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với hành vi uống rượu và sức khỏe chủ quan của người dân ở Nhật Bản”, Giáo sư Nobuaki Ohmori đến từ ĐH Utsunomiya (Nhật Bản) đã công bố kết quả nghiên cứu hành vi của con người đối với việc uống bia trên đường phố và mối tương quan giữa việc uống bia với giao thông, từ đó đưa ra những ý tưởng thiết kế giao thông đô thị thân thiện với con người.
KTS Nguyễn Thu Phong - Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam - phát biểu tại hội thảo |
Còn Giáo sư Akio Yasumori - ĐH Chiba (Nhật Bản) thì cho rằng, việc thiết kế giao thông cần gần gũi hơn đối với con người. Trong tham luận "Cải tạo đường phố - Thực hành thiết kế và nghiên cứu hoạt động ở Nhật Bản", Giáo sư Akio Yasumori cho rằng, việc thiết kế giao thông cần tính toán công năng phù hợp với con người và phù hợp với đặc điểm văn hoá địa phương.
“Việc tái cải tạo hệ thống giao thông phù hợp với độ tuổi của người dân là cần thiết. Ví dụ như khi xã hội toàn người trẻ thì không gian giao thông chủ yếu để phục vụ đi xe ô tô, còn khi xã hội toàn người già, tức khu đô thị có người già chiếm đa số, thì cần tính toán thiết kế giao thông phù hợp với độ tuổi, hạn chế giao thông phục vụ việc lái xe như người trẻ tuổi là cần thiết. Thay vào đó là gia tăng không gian đi bộ, công viên dọc bên đường”- Giáo sư Akio Yasumori chia sẻ.
Cũng theo Giáo sư Akio Yasumori, việc xây dựng ứng dụng trên di động để cảnh báo tình trạng tập trung đông người trên các tuyến giao thông trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, nhằm hướng dẫn và định hướng người tham gia giao thông tránh ùn tắc là một ý tưởng có thể tham khảo.
Giáo sư Akio Yasumori - ĐH Chiba (Nhật Bản) - chia sẻ nghiên cứu về việc cải tạo hệ thống giao thông phù hợp với đặc tính của con người |
Tiến sĩ Yoshito Dobashi - ĐH Utsunomiya (Nhật Bản) mang đến tham luận “Quy hoạch đô thị, giao thông hướng tới người khuyết tật”, với quan điểm cho rằng, giao thông thân thiện và bền vững là giao thông cần xem xét và hướng đến người cần được trợ giúp, người khuyết tật.
Dẫn chứng nghiên cứu từ Nhật Bản, Tiến sĩ Yoshito Dobashi nhấn mạnh: “Để được xem là thân thiện, vấn đề người khuyết tật rất cần lưu ý. Nhật Bản và Việt Nam có tỷ lệ người khuyết tật và cần trợ giúp khá tương đồng, nên giao thông thân thiện là nơi mà người khuyết tật có được tiếng nói, được đề đạt những ý kiến, chia sẻ thông tin, suy nghĩ của mình cũng như nhận được sự quan tâm của giới chức cũng như các nhà chuyên môn để họ có thể cùng tham gia giao thông như những người bình thường khác”.
Lấy bài học từ Nhật Bản, Tiến sĩ Yoshito Dobashi chia sẻ những phương án giao thông cho người khuyết tật từ các thiết kế chi tiết gờ đường, lối đi dành cho người khuyết tật, thiết bị giao thông công cộng cho người khuyết tật, đến những chính sách giao thông dành cho người khuyết tật khi tham gia giao thông.
Tiến sĩ Yoshito Dobashi - Giáo sư khách mời của ĐH Utsunomiya (Nhật Bản) trình bày nghiên cứu |
Đô thị giàu bản sắc phải xem con người là cốt lõi
TS. KTS. Lê Phong Nguyên - Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - cho rằng, một đô thị thân thiện và bền vững cần được thiết kế hài hoà, có khả năng cân bằng, thống nhất sự đa dạng trong nhiều yếu tố gồm: sự tăng trưởng kinh tế, các tiện ích xã hội, tính công bằng, khả năng quản trị và tính bền vững.
“Một TP hài hoà phải thể hiện sự liên kết giữa các không gian, giữa công viên đến đường phố… Sự chuyển tiếp tạo nên sự hứng thú và cảm xúc không gian liền mạch cho người dân. Không những vậy, một TP không thể hài hoà nếu một phần lớn dân số bị thiếu thốn các nhu cầu cơ bản, trong khi các bộ phận khác lại có một cuộc sống đủ đầy và tiện nghi”- TS. KTS. Lê Phong Nguyên chia sẻ.
Các chuyên gia trong phiên thảo luận và bàn giải pháp thiết kế đô thị thân thiện, bền vững |
Với quan điểm “Đô thị hài hòa và tầm nhìn của nhà quy hoạch cho một đô thị tương lai giàu bản sắc”, TS. KTS. Lê Phong Nguyên đưa ra các khái niệm về đô thị hài hoà mang lại cơ hội và động lực giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động đô thị lên môi trường cũng như hài hoà cả yếu tố văn hoá.
TS. KTS. Lê Phong Nguyên cho rằng, bản sắc của đô thị cần thể hiện qua các giá trị về môi trường, văn hoá, lịch sử, không gian và kiến trúc của đô thị, mà ở đó, con người là cốt lõi.
“Xem con người là cốt lõi, môi trường sống tốt là điều kiện tiên quyết trong quy hoạch đô thị hài hoà, giàu bản sắc. Trong dòng chảy của phát triển kỹ thuật và công nghệ, những giá trị này càng phải được nhìn nhận một cách rõ ràng hơn, tránh mất đi sự cân bằng giữa các yếu tố tạo thị, làm suy giảm giá trị bền vững lâu dài”- TS. KTS. Lê Phong Nguyên nhấn mạnh.
Ths.KTS Trần Phước Hoà Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ KTS trẻ Vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra các quan điểm về TP đáng sống, cũng như các nhóm tiêu chí mà Đà Nẵng đang theo đuổi để đến năm 2030, trở thành TP có môi trường đô thị văn minh, giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, đời sống văn hoá cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức. Và nhất là trở thành 1 trong những TP hài hoà, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống.
Hội thảo do Câu lạc bộ KTS trẻ Vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên phối hợp cùng ĐH Bách khoa, Đại học (ĐH) Đà Nẵng và Công ty TNHH Mono Bogo Việt Nam tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của các giáo sư ở nhiều trường đại học của Nhật; Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng gần 200 đại biểu là các giáo sư, giảng viên sinh viên kiến trúc.