Tìm nhà thầu xây trạm vệ tinh ASEAN - Ấn Độ ở Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cụ thể là tổ hợp công trình thuộc dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh" đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương.

Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (Isro) mới đây đã gia hạn việc mời các nhà thầu nộp hồ sơ đấu thầu sơ tuyển cho tổ hợp công trình “Xây dựng hạ tầng hỗ trợ ăng-ten 11m và Trung tâm Tiếp nhận, Xử lý & Phân phối dữ liệu bao gồm Thiết kế và Xây dựng công trình dân dụng, điện, nước, PCCC và các công trình liên quan khác” tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương.

Thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến kéo dài 14 tháng, sử dụng kinh phí từ quỹ Asean - Ấn Độ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, tổ hợp công trình vừa nêu thuộc dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” (Trạm viễn thám Asean - Ấn Độ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định 100/QĐ-TTg ngày 20/1/2017.

Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”

Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh

Tháng 3/2021, Báo điện tử Tài nguyên và Môi Trường dẫn lời ông Nguyễn Quốc Khánh – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, cho biết dự án bắt đầu triển khai từ năm 2020, dự kiến hoàn thành xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị vận hành trong năm 2022.

Cụ thể, dự án sẽ được thực hiện bởi Cục Viễn thám quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Isro (Ấn Độ), sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ Asean - Ấn Độ.

Trong đó, phía Ấn Độ sẽ chi trả toàn bộ kinh phí của phần xây lắp và cung cấp các thiết bị lắp đặt, đồng thời vận hành trạm thu ảnh viễn thám và cung cấp miễn phí dữ liệu từ các thế hệ vệ tinh viễn thám Ấn Độ là Resourcesat Oceansat tại trạm thu trong 5 năm.

Sau thời gian vận hành, Việt Nam và Ấn Độ có thể tiếp tục hợp tác, phối hợp nâng cấp trạm này để có thể thu nhận và xử lý được những dữ liệu ảnh viễn thám từ các vệ tinh khác của Ấn Độ để có thể chia sẽ nguồn dữ liệu cho các nước Asean.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tháng 11/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi khu đất rộng 39.091,6 m2 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex), rồi giao lại cho Cục Viễn thám Quốc gia để triển khai dự án.

Việt Nam hút vốn Ấn Độ

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn hãng đầu đối với các nhà đầu tư Ấn Độ.

Như VietTimes từng đề cập, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, đại diện Tập đoàn Adani tuyên bố sẽ dành 10 tỉ USD trong 100 tỉ USD ‘nhàn rỗi’ của tập đoàn này để đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế, tập đoàn của tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani đã âm thầm vào Việt Nam từ trước cả khi công bố kế hoạch tham vọng này.

Có thể kể đến như thương vụ đầu tư xây dựng dự án điện gió công suất 27,3MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Điện gió Adani Phước Minh.

Vì sao xây trạm viễn thám Asean - Ấn Độ ở Bình Dương?

Tháng 8/2016, Báo Bình Dương Online dẫn lời ông Trần Đức Thuận – Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho hay Bình Dương có độ nhiễu sóng ít hơn Tp. HCM, nhà cao tầng cũng ít hơn nên ít ảnh hưởng đến việc thăm dò, thu nhận dữ liệu của trạm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Ấn Độ cũng đánh giá hệ thống giao thông Bình Dương khá tốt, môi trường ít ô nhiễm và điều kiện như nhà ở, giá cả sinh hoạt cho các chuyên gia vận hành trạm rẻ hơn Tp. HCM.

Ảnh vệ tinh thường được ứng dụng trong các lĩnh vực như: kiểm kê hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng sử dụng rừng, lập bản đồ, giám sát môi trường, thiên tai như lũ lụt, cháy rừng.

Ngoài ra, ảnh vệ tinh còn phục vụ rất hiệu quả trong việc giám sát vùng biển, vùng duyên hải./.