Các vụ kiện được đệ trình tại New York, California, Đặc khu Columbia và 11 tiểu bang khác gồm Illinois, Kentucky, Louisiana, Massachusetts, Mississippi, New Jersey, North Carolina, Oregon, South Carolina, Vermont và Utah, mở rộng cuộc chiến pháp lý giữa TikTok do Trung Quốc sở hữu với các cơ quan quản lý Mỹ và tìm kiếm các hình phạt tài chính mới đối với công ty này.
Các bang của Mỹ cáo buộc TikTok sử dụng phần mềm có chủ ý gây nghiện được thiết kế để trẻ em xem lâu và nhiều nhất có thể, đồng thời ngụy tạo tính hiệu quả của việc họ kiểm duyệt nội dung.
Tổng chưởng lý bang California Rob Bonta cho biết trong một tuyên bố: "TikTok nuôi dưỡng chứng nghiện mạng xã hội để tăng thêm lợi nhuận của công ty. TikTok cố ý nhắm mục tiêu vào trẻ em vì họ biết chúng chưa có năng lực tự bảo vệ mình hoặc thiết lập ranh giới lành mạnh xung quanh nội dung gây nghiện".
Các bang nộp đơn kiện cho biết TikTok đã cố gắng tối đa hóa thời gian người dùng dành cho nền tảng ứng dụng này để phân phát quảng cáo đến họ.
Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cho biết: “Những người trẻ tuổi đang lâm vào tình trạng khốn đốn về sức khỏe tâm thần của họ do các nền tảng truyền thông xã hội gây nghiện như TikTok”.
Brian Schwalb, Tổng chưởng lý của Washington, D.C., cáo buộc TikTok điều hành một hoạt động kinh doanh chuyển tiền không có giấy phép thông qua các chức năng phát sóng trực tiếp và tiền mã hóa.
Schwalb nói trong một cuộc phỏng vấn: “Nền tảng của TikTok rất nguy hiểm về mặt thiết kế. Nó là một sản phẩm gây nghiện có chủ đích được thiết kế để khiến giới trẻ dán mắt vào màn hình của họ”.
Trong đơn kiện của mình, Washington cáo buộc TikTok tạo điều kiện cho việc khai thác tình dục người dùng chưa đủ tuổi vị thành niên, đồng thời cho biết các chương trình phát sóng trực tiếp và tiền ảo của TikTok “hoạt động giống như một câu lạc bộ thoát y ảo không giới hạn độ tuổi”.
TikTok là phiên bản ở nước ngoài của nền tảng chia sẻ video ngắn Douyin của Trung Quốc, công ty mẹ của nó là ByteDance.
Tổng chưởng lý của các tiểu bang đã cách chọn nộp đơn kiện tại các tòa án tiểu bang tương ứng của họ thay vì nộp đơn kiện tập thể lên tòa án liên bang, điều này có thể khiến TikTok khó tự bảo vệ hơn.
Phản ứng của TikTok
TikTok hôm 8/10 cho biết họ phản đối mạnh mẽ các cáo buộc, nói rằng “chúng tôi cho rằng nhiều cáo buộc trong số đó là không chính xác và gây hiểu lầm” và rất thất vọng khi các bang của Mỹ “đã chọn khởi kiện thay vì hợp tác với chúng tôi để đưa ra các giải pháp mang tính xây dựng cho những thách thức mà toàn bộ ngành phải đối mặt".
Công ty này cho biết TikTok cung cấp các tính năng an toàn bao gồm giới hạn thời gian sử dụng thiết bị mặc định và cài đặt quyền riêng tư mặc định cho trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi. Công ty tự hào về công việc mình làm để bảo vệ những người trẻ tuổi; đồng thời bày tỏ sự thất vọng khi các bang liên quan đã không hợp tác với công ty để phát triển giải pháp mang tính xây dựng cho những thách thức trong toàn ngành, mà lại thực hiện bước truy tố.
Vào tháng 3/2022, tám bang, bao gồm California và Massachusetts, cho biết đã mở một cuộc điều tra trên toàn quốc về tác động của TikTok đối với giới trẻ.
Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện TikTok vào tháng 8/2024, cáo buộc Công ty này không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên ứng dụng này. Các bang khác trước đây đã kiện TikTok vì không bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại, bao gồm cả Utah và Texas. TikTok hôm 7/10 đã phủ nhận các cáo buộc trong hồ sơ tòa án.
Công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, ByteDance, cũng đang đấu tranh trước tòa để chống lại đạo luật có thể cấm ứng dụng này ở Mỹ.
Australia cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập TikTok, Facebook, Instagram và các mạng xã hội khác
Nepal chính thức dỡ bỏ lệnh cấm TikTok
TikTok phản đối các cáo buộc của Mỹ về mối liên hệ với Trung Quốc
Theo Đông Phương, Creader