Tiki phủ nhận ‘bán mình’ cho nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại diện Tiki cho hay, công ty này muốn lập một ‘thực thể’ tại Singapore để phục vụ nhiều mục tiêu cho giai đoạn sắp tới, mà trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tiki phủ nhận ‘bán mình’ cho công ty nước ngoài
Tiki phủ nhận ‘bán mình’ cho công ty nước ngoài

Như VietTimes từng đề cập, ngày 10/6/2021, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của CTCP Ti Ki (Tiki) và Công ty Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global).

Cụ thể, Tiki Global dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ. Nhờ giao dịch này, Tiki Global sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Tiki. Đây được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo Luật Cạnh tranh.

Trao đổi với phóng viên VTV chiều 21/7, đại diện của Tiki khẳng định đây không phải là động thái ‘bán mình’ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Tiki, về bản chất, đây là hoạt động để Tiki thành lập một ‘thực thể’ doanh nghiệp tại Singapore nhằm phục nhiều mục tiêu cho giai đoạn tới, mà trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thuận lợi hơn.

"Tại Việt Nam, 1 nhà đầu tư nước ngoài mua 1 cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế” – ông Khánh cho hay.

Bên cạnh đó, Tiki cũng đang có kế hoạch xây dựng tech hub (trung tâm công nghệ) để thu hút, phát triển đội ngũ kỹ sư. Khi có trụ sở tại Singapore, theo luật của nước ngày, Tiki có thể được chính phủ hỗ trợ trả đến 50% lương cho nhân sự.

Trước đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn – nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Tiki – từng chia sẻ mong muốn nhà nước sẽ nới lỏng các điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ. Theo các quy định hiện hành, các doanh nghiệp cần chứng minh được lợi nhuận trong 3 năm gần nhất, đây vẫn được coi là rào cản lớn để các ‘startup’ công nghệ tiếp cận được nguồn vốn đại chúng.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề xuất nhà nước có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, thương mại điện tử, bán lẻ... dễ dàng tiếp cận với các khoản vay ưu đãi và nguồn vốn trong, ngoài nước./.