Tiếp tục "siết" hoạt động môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, đảm bảo minh bạch thị trường

VietTimes – Khi tiếp nhận thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng sẽ chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo pháp luật.
Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng

Trước thực trạng phát triển nhanh của các sàn giao dịch môi giới bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP Đà Nẵng cùng những hệ luỵ từ việc thổi giá, tung tin sai lệch nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng đến thị trường chung, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - về công tác quản lý trong lĩnh vực hoạt động này.

Có 27 sàn và 2.388 người được cấp chứng chỉ

- Xin ông vui lòng cho biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có bao nhiêu sàn môi giới BĐS và các sàn này hoạt động ra sao ạ?

Ông Phùng Phú Phong: Theo Thông tư 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 6 Điều 2 Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng), sau khi thành lập, đơn vị thành lập sàn cung cấp các thông tin của sàn đến Sở Xây dựng địa phương nơi sàn hoạt động, hoặc Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS.

Các Sở Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS có trách nhiệm đăng tải công khai các thông tin của sàn do đơn vị thành lập sàn cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị mình, để phục vụ công tác quản lý.

Từ năm 2015 đến nay, Sở Xây dựng TP đã kiểm tra, đăng tải thông tin lên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, đồng thời, báo cáo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đối với 27 sàn giao dịch BĐS, trong đó 3 sàn đã thông báo ngừng hoạt động trong năm 2016 và 2017.

Việc tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS phải tuân thủ quy quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng, Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng.

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của số lượng sàn môi giới BĐS trong thời gian qua?

Ông Phùng Phú Phong: Pháp luật không quy định bắt buộc việc giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS, đồng thời, người dân cũng chưa có thói quen giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS. Do đó, số lượng sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP không nhiều so với quy mô thị trường BĐS của TP.

- Hoạt động kinh doanh BĐS là ngành nghề có điều kiện, nhất là nhân viên môi giới, tư vấn phải qua đào tạo, được cấp chứng chỉ. Ông có thể cho biết, Đà Nẵng đã cấp chứng chỉ cho các đối tượng này như thế nào?

Ông Phùng Phú Phong: Căn cứ vào quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho các cá nhân đảm bảo điều kiện theo quy định.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho 2.388 cá nhân đạt yêu cầu.

Một góc đô thị ven biển Đà Nẵng, nơi thị trường BĐS luôn sôi động

- Kinh doanh BĐS là ngành nghề có điều kiện, vậy cơ quan quản lý nhà nước đã có những giải pháp gì để quản lý hoạt động này thưa ông?

Ông Phùng Phú Phong: Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã triển khai công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới BĐS, trong đó, tập trung vào một số nội dung chính như tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, để qua đó, sát hạch kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên môn nhằm cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân.

Sở cũng tiến hành kiểm tra, đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử của Sở và báo cáo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS về các sàn giao dịch BĐS đủ điều kiện hoạt động.

Chúng tôi cũng đã hướng dẫn kiến thức chuyên môn, các quy định pháp luật về kinh doanh BĐS và kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của sàn giao dịch BĐS; xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động môi giới BĐS.

Phối hợp với Công an, Sở TT&TT để xử lý vi phạm

- Không thể phủ nhận vai trò của các sàn môi giới BĐS trong việc phát triển thị trường BĐS trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn có những sàn môi giới sử dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, đánh bóng hình ảnh sàn môi giới để thổi giá BĐS, làm sai lệch tính xác thực của thị trường. Theo ông, các hành vi trên có vi phạm pháp luật không và Sở Xây dựng đã có những biện pháp xử lý gì?

Ông Phùng Phú Phong: Việc xử lý hành vi cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Khi tiếp nhận thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Sở Xây dựng sẽ chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Một trong các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội nhằm đẩy giá BĐS ở Đà Nẵng (ảnh Tấn Việt)

- Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực đất đai nói chung và hoạt động môi giới BĐS nói riêng. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng sẽ có biện pháp gì nhằm minh bạch thị trường và tiếp tục chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS trên địa bàn, thưa ông?

Ông Phùng Phú Phong: Sau khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án BĐS và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chỉ được đưa BĐS vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Sở cũng lưu ý các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án BĐS đã đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, cũng như đã hướng dẫn các quy định về điều kiện BĐS đưa vào kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch, kinh doanh BĐS có thể tìm hiểu thông tin các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh, trên Trang thông tin điện tử Sở Xây dựng tại địa chỉ: http://www.sxd.danang.gov.vn.

Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND TP ban hành các công văn chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS trên địa bàn TP; triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Với việc tham mưu đó, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở TN&MT công bố công khai và thường xuyên cập nhật thông tin các dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, đến UBND các quận, huyện và các phương tiện thông tin đại chúng; giao Sở Xây dựng công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở đã có thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua, đến UBND các quận, huyện và các phương tiện thông tin đại chúng; giao Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, đặc biệt là tình trạng “ký chờ”, “ký gửi” trong giao dịch BĐS.

Bên cạnh đó, UBND TP giao Công an TP, Sở Xây dựng, Sở TT&TT và UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh đăng tải thông tin BĐS.

-Cảm ơn ông!

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng, thì chỉ sau một đêm, hàng chục sàn, trung tâm môi giới BĐS mọc lên. Đáng lưu ý khi các sàn hay trung tâm môi giới BĐS này đều hoạt động không bảo đảm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới.

Không chỉ lừa đảo bằng hình thức thông tin “ảo” để sập bẫy nhà đầu tư vào các dự án không đủ điều kiện, một số môi giới BĐS còn găm đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng đoạn thị trường, hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, làm ảnh hưởng uy tín các chủ đầu tư chân chính.