Tiếp biến văn hoá đóng vai trò thế nào để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng vì COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, giá trị văn hoá tích cực không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín mà còn giúp họ tự xây dựng bản thân, vượt qua khủng hoảng trong đại dịch COVID-19.
Toạ đàm phiên 1 với chủ đề tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh (Ảnh - Minh Thuý)
Toạ đàm phiên 1 với chủ đề tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh (Ảnh - Minh Thuý)

Tại Diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề: “Tiếp biến văn hoá – nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều nay, ngày 5/12, các diễn giả đều khẳng định vai trò quan trọng của văn hoá doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết để phát triển và cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – nhấn mạnh: “Diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trao đổi về tiếp biến văn hóa trong việc dẫn dắt phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh. Vị trí của văn hoá trong kinh tế và kinh tế trong văn hoá là mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời”.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Ảnh - Minh Thuý)

Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ông Hùng, doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Do đó, cần có 1 cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, phát triển văn hoá doanh nghiệp.

Do đó, diễn đàn hôm nay là diễn đàn mở để các chuyên gia tìm ra biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo lập hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh.

Dự diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề: “Tiếp biến văn hoá – nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” có sự tham dự của ông Lê Doãn Hợp -Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, Thường trực Ban Tổ chức 248 cùng đại diện nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, diễn giả nổi tiếng.

Trong buổi toạ đàm, GS.TS. Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - cho biết: Có nhiều định nghĩa khác nhau về tiếp biến văn hoá. Tuy nhiên hiểu ngắn gọn thì tiếp biến văn hoá là sự tiếp thu và biến đổi văn hoá. Có nhiều xu hướng tiếp biến văn hoá, nhưng có 5 hướng tiếp biến văn hoá chính gồm: đồng hoá, bảo thủ, hội nhập, chuyển đổi và ngoại biên.

GS.TS. Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

GS.TS. Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - các xu hướng tiếp biến Việt Nam hiện nay đem lại sự quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Những vấn đề thuộc về bản sắc của Việt Nam thì các doanh nghiệp đều giữ gìn. “Tôi cho rằng cách tiếp biến văn hoá của các doanh nghiệp Việt Nam rất đáng hoan nghênh – vừa giữ gìn bản sắc, vừa tiếp thu những văn hoá mới” – ông Dũng nói.

Về thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước tiếp biến văn hoá, ông Dũng cho hay: Khi đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng loạt siêu thị của Việt Nam tăng giá, nhưng siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài lại xuống giá. Từ đó có thể thấy, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được với văn hoá của thế giới.

Khi tiếp nhận văn hoá thì không thể đánh mất bản sắc của chính mình; văn hoá người đứng đầu cần thay đổi. Doanh nghiệp tiếp nhận văn hoá của thế giới nhưng năng lực lại không thể theo kịp. Vì thế, chi phí sẽ phát sinh.

GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (Ảnh - Minh Thuý)

GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (Ảnh - Minh Thuý)

Chia sẻ về vai trò của giá trị văn hoá tích cực đối với doanh nghiệp, GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân – cho biết: Giá trị văn hoá tích cực không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, phát triển, mà còn giúp họ tự xây dựng bản thân, vượt qua khủng hoảng trong đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp tiếp cận các giá trị văn hoá theo xu hướng mở. Do đó, tiếp biến văn hoá không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu văn hoá mới mà còn phải giữ gìn bản sắc văn hoá riêng của doanh nghiệp.

Dẫn chứng về văn hoá doanh nghiệp, bà Hoa cho biết: "Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp UNIQLO đã cam kết với doanh nghiệp, cộng đồng để tạo uy tín. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng UNIQLO vẫn có lợi nhuận và phát triển cửa hàng thứ 10. Tiếp biến văn hoá của doanh nghiệp này là tôn trọng giá trị văn hoá của Việt Nam, cam kết với Việt Nam để mang nhiều sản phẩm tới tay người dân, sản xuất nhiều sản phẩm tại Việt Nam; tạo sự gắn kết cộng đồng – tri ân khách hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch".

"Vaccine văn hóa doanh nghiệp" trước đại dịch COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty ở TP. HCM đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên khiến nhiều người nghỉ việc. Để ngăn chặn tình trạng này, "vaccine văn hoá doanh nghiệp" là vô cùng quan trọng để tạo ra kháng thể cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – chia sẻ: “Tôi cho rằng "vaccine văn hoá doanh nghiệp" xuất phát từ chính nội lực của doanh nghiệp. Hiện, mỗi doanh nghiệp đang phát triển 1 văn hoá riêng, Vì thế, các doanh nghiệp cần có sự kết nối để phát triển bền vững”.

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm (Ảnh - Minh Thuý)

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – văn hoá doanh nghiệp là chìa khoá giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Trong 2 năm COVID-19 vừa qua, văn hoá doanh nghiệp đã giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn. Nếu quan tâm tới người lao động thì doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, ổn định trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.

“Chính phủ có vai trò quyết định trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, doanh nghiệp phát triển, văn hoá doanh nghiệp phát triển theo. Thực tế, 1 số doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề ăn ở cho người lao động. Nếu nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện xây dựng nơi ở cho người lao động, cán bộ thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển. Việc các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh là vô cùng quan trọng. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp đạt chuẩn mực văn hoá kinh doanh” – ông Vượng nói.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hoá doanh nghiệp Hồ Anh Tuấn đề nghị: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sắp tới nên có Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm thực hiện; Cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (do doanh nghiệp đóng góp để thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp); Có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh”.

Trong khuôn khổ diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” và bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam giữa ban tổ chức 248 và Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ.

Ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, Thường trực Ban Tổ chức 248 - đã chứng kiến lễ ký kết.

Lễ ký kết chương trình hợp tác triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và CLB doanh nhân Sao Đỏ (Ảnh - Minh Thuý)

Lễ ký kết chương trình hợp tác triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và CLB doanh nhân Sao Đỏ (Ảnh - Minh Thuý)

Với lễ ký kết này, 2 đơn vị sẽ hợp tác, phối hợp đưa cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” đi sâu vào cuộc sống và lan toả văn hoá doanh nghiệp, bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam.