Tiến sĩ Nguyễn Quân: Cần sửa nhiều luật để mở đường cho Khoa học công nghệ phát triển

Ngoài sửa đổi Luật Khoa học công nghệ (KHCN) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần quan tâm sửa đổi một số luật liên quan để mở đường cho phát triển nhân lực khoa học công nghệ.

Tiến sĩ Nguyễn Quân (ảnh: Ngọc Mai).
Tiến sĩ Nguyễn Quân (ảnh: Ngọc Mai).

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh: “Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người” [1]

Văn kiện Đại hội cũng nêu rõ cần chú trọng: “Thực thi hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội. Tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực khoa học công nghệ đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao, nhà khoa học đầu ngành” [2]

Trong xu thế hội nhập quốc tế cùng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, Tiến sĩ Quân bày tỏ niềm trăn trở trước những vướng mắc trong thực hiện chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và kỳ vọng sửa luật để mở đường phát triển nhân lực khoa học công nghệ.

Phóng viên:Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quân, theo đánh giá của ông, nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay như thế nào so với thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Theo báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng Cục thống kê năm 2021, về cơ cấu lực lượng lao động chia theo %, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đối với đại học trở lên là 11,7% (xem chi tiết TẠI ĐÂY). Con số này tuy còn rất thấp so với các nước phát triển nhưng ở mức trung bình của thế giới. Vì theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020, Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704; xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với các nước có cùng trình độ phát triển về kinh tế, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ của nước ta tương đối tốt, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao trong một số lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn, đứng vị trí top đầu trong các nước đang phát triển. Cụ thể, một số lĩnh vực, đội ngũ nhân lực của Việt Nam có trình độ cao so với các nước có cùng mức thu nhập trung bình thấp, ví dụ như: Toán, Vật lý, Công nghệ thông tin, năng lượng nguyên tử,... (đứng đầu trong ASEAN). Tuy không có số liệu % nhưng một số hội thảo khoa học và nhiều chuyên gia xác nhận các lĩnh vực này của Việt Nam có thế mạnh vượt trội.

Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ Việt Nam được đào tạo bài bản, từ nhiều nguồn khác nhau. Những nhà khoa học thế hệ trước được đào tạo ở Đông Âu và Liên Xô cũ - là các quốc gia có nền tảng về khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật tương đối tốt. Còn thế hệ nhà khoa học ngày nay chủ yếu được đào tạo ở các nước phát triển nhất của phương Tây và Nhật Bản. Do đó, Việt Nam có đội ngũ khoa học trẻ trình độ cao tương đối mạnh.

Bằng chứng cho điều này thể hiện qua việc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam là quốc gia có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào loại trên trung bình của thế giới (trong số 138 quốc gia có dữ liệu để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo). Theo báo cáo hàng năm của WIPO về chỉ số GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu), năm 2023, dựa trên 100 tiêu chí đã công bố, Việt Nam xếp hạng 46/138 quốc gia và xếp thứ 2 trong hơn 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam liên tục có vị trí thứ 3 và thứ 4 từ năm 2015 đến nay, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thailand.

Trong khoảng 5 năm gần đây, nhân lực khoa học công nghệ của nước ta có sự tăng lên về số lượng theo tốc độ tăng trưởng của giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ trên đại học ở trong nước. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tương đối đông đảo. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ khoa học được đánh giá thông qua chức danh (giáo sư, phó giáo sư) chưa đạt yêu cầu nhiều, nhất là khối các viện nghiên cứu công lập, đặc biệt chúng ta vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư lãnh đạo các tập thể khoa học mạnh tạo ra các sản phẩm công nghệ chủ lực cho nền kinh tế.

Hiện nay, một số lĩnh vực công nghệ lớn đang có xu hướng phát triển vẫn duy trì được đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành nên có thể yên tâm. Nhưng một số lĩnh vực, đặc biệt là Khoa học xã hội và Nhân văn có số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm rất ít.

Theo tôi được biết, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học lớn về Khoa học xã hội và nhân văn, cho đến thời điểm này chỉ còn 1 giáo sư và hơn 70 phó giáo sư, trong khi đó có trên 30 viện thành viên (~3.000 cán bộ nghiên cứu). Đây là điều đáng báo động về thiếu hụt đội ngũ khoa học công nghệ trình độ cao thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn. Thời gian tới, chúng ta cần có điều chỉnh để những lĩnh vực chưa phải mũi nhọn vẫn có đủ nhân lực trình độ cao để chuẩn bị mọi phương án trong tương lai như liên quan đến chủ quyền biển đảo, văn hóa, tôn giáo, lịch sử... Mọi lĩnh vực khoa học đều cần có nhà khoa học đầu ngành, kể cả khoa học cơ bản, khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, họ sẽ hỗ trợ lẫn nhau tạo ra sản phẩm, phát triển nền khoa học quốc gia.

Thêm nữa, số lượng nhân lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Sự mất cân đối này xuất phát từ việc chuyển đổi nền kinh tế. Trong giai đoạn kế hoạch hóa trước đây, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông được định hướng tất cả các ngành gần như không có sự phân biệt và sinh viên khi được gửi ra nước ngoài học tập đều phải học theo yêu cầu của Chính phủ. Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, nước ta đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ giỏi về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, vì khi đó họ được Chính phủ cử đi học ở các nước Đông Âu và Liên Xô, có định hướng rõ ràng trong học tập các lĩnh vực Toán, Vật lý, Hóa học, Khoa học xã hội,... ở các trường tốt nhất.

Còn hiện nay, giữa các ngành Khoa học kỹ thuật và Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có sự phân biệt trong nhận thức của học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên đi du học tự túc (họ được tự do lựa chọn ngành học chứ không theo yêu cầu của Chính phủ). Khi bước vào kinh tế thị trường, quyền lựa chọn đi học ở trong nước và nước ngoài của người học lớn hơn, mục tiêu các em thường chọn ngành học có khả năng cho thu nhập cao.

Chưa kể, trước đây, dù học lĩnh vực nào thì khi làm việc trong khu vực nhà nước mức tiền lương cũng gần như nhau. Còn hiện nay, học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ hoặc kinh tế, tài chính có nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập hơn; trong khi các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội xin việc khó, thu nhập thấp. Như vậy, những người giỏi nhất thường chọn lĩnh vực có triển vọng như khối kỹ thuật, công nghệ cao, còn những ngành Khoa học xã hội, Khoa học cơ bản hiện nay không có nhiều người theo học. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với giai đoạn trước những năm 80, khi đó, người giỏi nhất thường được Chính phủ cử đi học Khoa học cơ bản và Khoa học xã hội, được nhà nước đảm bảo phân công tác sau khi tốt nghiệp.

Phóng viên: Nếu nêu ra sự phát triển khoa học công nghệ đã đạt được nhiều khởi sắc trong năm 2023, ông sẽ đề cập đến những nội dung nào?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Khoa học công nghệ năm 2023 có nhiều khởi sắc, theo tôi, một là về công tác đào tạo. Những năm qua, các trường đại học rất nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Số lượng cán bộ tốt nghiệp đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ từ các nguồn trong nước và nước ngoài tăng nhanh, mặc dù tỷ lệ còn thấp hơn các nước phát triển nhưng đã đạt mức cao trong các quốc gia cùng trình độ phát triển kinh tế.

Hai là, đánh giá về đội ngũ khoa học công nghệ nước ta tương đối tích cực thông qua chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trên mức trung bình của thế giới, đứng đầu trong top các nước có thu nhập trung bình thấp.

Ba là, nền kinh tế Việt Nam bắt nhịp nhanh chóng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nhờ có đội ngũ khoa học công nghệ, nhất là nhân lực được đào tạo bài bản nhiều năm trước về Toán, Công nghệ thông tin, Vật lý,... Nhờ đó, các ngành công nghiệp mũi nhọn có những sản phẩm tương đối tốt, ví dụ các nền tảng công nghệ số như IoT, Blockchain, AI, Robot tự động hóa, ViGPT (sau khi xuất hiện ChatGPT).

Bốn là, năng lực phát triển kinh tế số và xuất khẩu phần mềm. Năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam đạt doanh số hơn 1 tỷ USD về xuất khẩu phần mềm (trong đó có vai trò chủ yếu của Tập đoàn FPT); Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu các thiết bị thông tin, điện tử vào loại hàng đầu khu vực.

Năm là, chương trình chuyển đổi số quốc gia đạt được kết quả khá tốt, Chính phủ điện tử của nước ta đang hoàn thiện và hướng tới Chính phủ số. Ở một số địa phương gần như đã hoàn thành mục tiêu của chuyển đổi số trong dịch vụ công trực tuyến. Nhiều địa phương xây dựng dự án thành phố thông minh, chiếu sáng thông minh, nhà máy thông minh và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây cũng là kết quả ấn tượng nhất khi chúng ta bước đầu làm chủ và sáng tạo được những nền tảng công nghệ số trong giai đoạn chuyển đổi số.

Nguồn ảnh minh họa: website Bộ Khoa học và Công nghệ

Nếu không có đội ngũ khoa học công nghệ tốt sẽ không làm được chuyển đổi số. Chuyển đổi số được định nghĩa là chuyển toàn bộ hoạt động xã hội lên môi trường số và ứng dụng các nền tảng công nghệ số để khai thác cơ sở dữ liệu số làm cho nền kinh tế thông minh hơn và hiệu quả hơn. Muốn làm được thì bước đầu tiên là cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, sáng tạo ra nhiều nền tảng công nghệ để khai thác, kết nối dữ liệu này, nâng cao trình độ tự động hóa và sản xuất thông minh cho toàn bộ nền kinh tế, kết nối, phục vụ người dân thông qua hệ thống dịch vụ hành chính công,...

Trước năm 2000, hầu như chưa có khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mục tiêu của ta là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta xác định cần có đội ngũ khoa học trình độ cao. Do đó, chúng ta đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học cả trong nghiên cứu cơ bản và cả công nghệ mới, công nghệ cao. Để có được những kết quả khởi sắc mấy năm qua là nhờ có quá trình chuẩn bị nhiều năm từ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản cho đến đào tạo nhân lực các ngành công nghiệp mũi nhọn. Các thế hệ này tập hợp lại, tạo thành tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Những nền tảng công nghệ AI, BigData, tự động hóa... phải dựa trên những nghiên cứu cơ bản trước đây như Toán, Vật lý, Công nghệ thông tin,... Chính vì chuẩn bị tốt và kết hợp giữa các thế hệ nhân lực khoa học công nghệ nên chúng ta tiếp cận và bắt nhịp nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phóng viên: Bên cạnh thành tựu đạt được thì còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vậy thưa ông, việc triển khai khoa học công nghệ đang phải đối mặt với hạn chế nào, nguyên nhân của những hạn chế này là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Theo tôi, việc đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế. Hiện nay, ngân sách cấp cho các trường đại học giảm do tự chủ đại học được hiểu một cách sai lầm khi đặt ra 4 nhóm tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Ví dụ tại Điều 9, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định “Đơn vị nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư”. Theo tôi, không nên quy định đơn vị công lập phải tự chủ toàn diện cả chi đầu tư. Bởi, đã là đơn vị công lập do nhà nước lập ra để phục vụ cho quản lý nhà nước, nhà nước phải chăm lo để họ làm được nhiệm vụ do nhà nước giao, nếu cắt toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư thì có nên gọi là đơn vị công lập nữa không, khi mà thực tế họ phải tự lo như đơn vị ngoài công lập. Đơn vị nào tự chủ được theo quy định về "Đơn vị nhóm 1" thì có thể cho họ chuyển sang hình thức đơn vị sự nghiệp tư thục, chứ nếu vẫn coi là đơn vị công lập và bị áp đặt mọi cơ chế quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì rất khổ. Điều này dẫn tới hiện tượng một số đơn vị sự nghiệp công lập lớn đấu tranh quay trở lại “bao cấp” chứ không muốn tự chủ.

Thêm nữa, đầu tư cho khoa học công nghệ cũng ngày càng giảm so với quy định của Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13. Theo đó phải đầu tư cho khoa học công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, nhưng hơn 10 năm nay chưa năm nào đầu tư đủ 2%, thậm chí những năm gần đây càng ngày càng giảm. Đơn cử, năm 2023, ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ có 0,82% tổng chi ngân sách nhà nước (cần nói thêm là trong số này chỉ có khoảng 10% dành cho các đề tài khoa học công nghệ từ cấp bộ đến cấp nhà nước, còn 90% dành cho chi thường xuyên và chi đầu tư của toàn ngành khoa học công nghệ từ trung ương tới địa phương).

Như vậy, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học vô cùng ít ỏi, trong khi chúng ta chưa huy động được đầu tư của doanh nghiệp. Ở các nước, doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều gấp 3-4 lần đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ, nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp đầu tư vẫn ít hơn nhà nước. Do đó, nhà nước đã đầu tư ít, doanh nghiệp lại ít hơn khiến Việt Nam không có đủ nguồn lực để có thể tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ lớn, chủ yếu vẫn chỉ giải quyết vấn đề đời sống và việc làm của cán bộ khoa học công nghệ là chính – có thu nhập tăng thêm để tồn tại chứ không tạo sản phẩm khoa học công nghệ lớn cho quốc gia.

Vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ ít là do nhận thức của hệ thống quản lý nhà nước về vai trò của khoa học công nghệ chưa đúng mức. Ở nhiều địa phương, ngân sách dùng cho khoa học công nghệ thường được sử dụng vào các việc khác, không đầu tư cho khoa học. Ngay ở trung ương, việc không bố trí đủ ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ và quá trình giải ngân, xây dựng kế hoạch vô cùng phức tạp, khiến nhà khoa học không nhận được kinh phí kịp thời để thực hiện đề tài (thường chậm trễ hàng năm, thậm chí nhiều năm). Chưa kể, nhà nước đã bố trí kinh phí không đủ nhưng bản thân nhà khoa học cũng không mặn mà việc giải ngân vì dùng tiền ngân sách có nhiều rủi ro, yêu cầu hóa đơn chứng từ và đấu thầu mua sắm quá phức tạp, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp rất khó. Điều này dẫn đến nhà khoa học có thể hoàn thành đề tài nhưng lại chỉ làm đến sản phẩm trung gian, chưa thể thương mại hóa.

Hai là, vướng mắc về cơ chế tài chính. Đề tài nghiên cứu gặp khó trong giải ngân, thanh quyết toán, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, đấu thầu mua sắm thiết bị, vật liệu. Việc quản lý tài chính theo cơ chế quỹ mặc dù đã được quy định trong Luật khoa học và công nghệ và đã được minh chứng tính ưu việt bởi quỹ Nafosted nhưng vẫn chưa được chấp nhận áp dụng cho hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ. Cơ chế khoán chi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học mặc dù đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, nhưng thực tế chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Một khâu "ách tắc" lớn hiện nay là chuyển giao công nghệ, nhất là chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Khi đề tài nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước, quyền sở hữu kết quả là nhà nước nên muốn chuyển giao cho doanh nghiệp thì phải giao quyền sở hữu cho cơ quan chủ trì đề tài (trường đại học, viện nghiên cứu) và phải quy định rõ họ được quyền chuyển nhượng cho doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng kết quả nghiên cứu, đồng thời với việc quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, cơ quan chủ trì và nhà khoa học tạo ra sản phẩm đó như thế nào.

Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân

Muốn chuyển giao kết quả nghiên cứu thì phải định giá được sản phẩm là tài sản trí tuệ - một loại tài sản vô hình. Nhưng hiện tại, không có cơ quan nào đủ năng lực được giao định giá tài sản và hầu như không ai dám định giá để chuyển giao cho doanh nghiệp. Không định giá được thì không chuyển giao được, khi đó nghiên cứu xong cũng "bỏ ngăn kéo” hoặc dẫn đến thực trạng chuyển giao “chui”. Vì chuyển giao “chui” nên chính nhà khoa học thiệt thòi, nhà nước cũng không thu lại được vốn đầu tư.

Nếu nhà nước không giao cho họ quyền sở hữu để có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, phát triển thành sản phẩm phục vụ nền kinh tế thì kết quả nghiên cứu chỉ là tài sản “chết”, nhà nước không trực tiếp ứng dụng, sử dụng được. Trong khi đó, nếu nhà nước giao quyền sở hữu cho nhà khoa học, giúp định giá cho họ và quy định rõ tỷ lệ lợi nhuận hoàn lại cho nhà nước, viện, trường, tác giả, thì sẽ chuyển giao hoặc góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ thuận lợi hơn, tất cả các bên đều có lợi, nhà nước sẽ thu hồi được vốn đầu tư thông qua thuế của doanh nghiệp có thể gấp nhiều lần mức đầu tư cho nghiên cứu.

Trong nền kinh tế còn khó khăn, rất khó để trọng dụng tất cả các đối tượng công chức, viên chức, nhưng tôi cho rằng cần tập trung ưu đãi cho những ai làm ra được những sản phẩm có ích cho xã hội, nhà nước trọng dụng, ưu đãi cho họ 1 để họ làm ra 10 phục vụ xã hội hiệu quả hơn, chứ việc “cào bằng thu nhập” như hiện nay sẽ khó tạo đột phá trong phát triển.

Ba là, chế độ đãi ngộ đối với nhân lực khoa học công nghệ kém, nhất là khu vực các đơn vị công lập. Trong hệ thống viện nghiên cứu công lập hiện nay, nghiên cứu viên chỉ có lương cơ bản, không có bất kỳ loại phụ cấp nào, trong khi tất cả các lĩnh vực khác như công chức, viên chức đều có từ 1-3 loại phụ cấp, có lĩnh vực tổng phụ cấp còn lớn hơn tiền lương cơ bản. Nhà khoa học là giảng viên các trường đại học còn có thể sống bằng đào tạo, nhưng nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu chỉ làm nghiên cứu, không đào tạo, không có phụ cấp, trong khi đây là đội ngũ làm ra các sản phẩm công nghệ.

Việc một số đối tượng nhà khoa học được nhà nước quan tâm, giao nhiệm vụ, ưu đãi và trọng dụng (các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng) mặc dù đã đưa vào luật và nghị định của Chính phủ nhưng gần 10 năm nay không triển khai được do có ý kiến cho rằng việc ưu đãi sẽ làm mất bình đẳng trong hệ thống chính trị.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2024, nhiều trường đại học dự kiến mở ngành đào tạo về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như ngành Thiết kế vi mạch, vi điện tử…). Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Đánh giá trình độ kỹ sư của lĩnh vực vi mạch, bán dẫn hiện tại có thể chưa đáp ứng được yêu cầu. Về dài hạn, cần đào tạo cho đủ số lượng mà nền kinh tế yêu cầu, cùng với đánh giá tầm nhìn dài hạn trong tương lai, sự phát triển của các ngành công nghiệp và sự phân bổ trên phạm vi toàn cầu để có sự bố trí nguồn nhân lực hợp lý. Với những trường đào tạo ngành “gần” như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông… có thể bổ sung vào trong chương trình đào tạo một số nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn. Còn những người đã tốt nghiệp đang làm việc trong các doanh nghiệp có thể tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn.

Hiện một số trường đại học đã sẵn sàng chuẩn bị đội ngũ giảng viên nên có thể kịp đưa vào đào tạo ngành/chuyên ngành về vi mạch, bán dẫn từ năm học 2024-2025 như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí một số trường đại học ngoài công lập cũng tương đối sẵn sàng như Trường Đại học FPT, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học CMC… Vấn đề đặt ra là cần điều tra nhu cầu của thị trường, khả năng hợp tác với công ty vi mạch lớn của thế giới như thế nào trong đào tạo.

Với 3 công đoạn sản xuất chip, trong đó các trường lựa chọn mở ngành/chuyên ngành đào tạo về thiết kế không đòi hỏi đầu tư hạ tầng tốn kém, chỉ phụ thuộc trí tuệ, tư duy của người làm công nghệ, Việt Nam đang phát triển tốt. Do đó, đào tạo kỹ sư thiết kế là hướng đi đúng, đồng thời cũng phải chăm lo đến công đoạn kế tiếp là chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, kiểm định, đánh giá, đóng gói và tìm kiếm thị trường. Tất cả những khâu này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, sản xuất phải có nhà máy vi mạch đầu tư rất cao, máy móc hiện đại; kiểm thử phải xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ công nghệ đánh giá sản phẩm theo năng lực quốc tế, phải xuất khẩu được, tạo thị trường thương hiệu Việt Nam bằng sản phẩm uy tín, được nhiều nước biết đến.

Một số thiết bị trong phòng thực hành của Đại học Huế. (Ảnh: Đại học Huế cung cấp)

Nếu chỉ dừng lại ở khâu thiết kế, cơ sở vật chất của các trường có thể tạm đáp ứng được, hiện nhiều trường đại học tương đối hiện đại. Trước đây, trong nước có một vài nhóm thiết kế vi mạch thành công, đến khi thử nghiệm phải đưa ra nước ngoài để làm, đi thuê sản xuất vì trong nước không có điều kiện, đầu tư lại rất tốn kém. Cách đây 15 năm, nước ta có nhóm ICDREC của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ làm về vi mạch, mời giáo sư chuyên gia hàng đầu từ Nhật Bản về hỗ trợ. Và năm 2011, họ đã thiết kế được chip 8 bits và chip 32 bits. Tất nhiên, vi mạch đó khá đơn giản nhưng chúng ta không có ngành công nghiệp vi mạch để sản xuất thử nên họ phải đưa sang Singapore thuê sản xuất thử, kiểm nghiệm và được đánh giá tốt. Thiết kế thành công song không có doanh nghiệp đỡ đầu, đưa sản phẩm vào thương mại hóa nên dừng đề tài. Như vậy, chúng ta đã từng bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Muốn phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa chỉ có thể dựa vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ có nòng cốt là nguồn nhân lực vì nếu chỉ đi mua công nghệ thì không bao giờ có nền khoa học mạnh và bền vững, đảm bảo an ninh an toàn cho nền kinh tế.

Một là, nhà nước cần tạo nguồn đầu tư lớn cho khoa học và công nghệ. Cố gắng duy trì mức đầu tư theo luật là 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Miễn thuế cho doanh nghiệp và mở rộng quyền của doanh nghiệp trong lập quỹ phát triển khoa học công nghệ sao cho doanh nghiệp trích lập quỹ nhiều, ưu đãi cao và không bị chi phối theo kiểu quản lý như ngân sách nhà nước. Cho phép doanh nghiệp dùng quỹ để hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học, thuê chuyên gia, mua sắm thiết bị nghiên cứu hiện đại đặt tại các viện trường.

Hai là, tháo gỡ cơ chế tài chính, kể cả tiền của nhà nước và doanh nghiệp đều phải có cơ chế cấp phát tài chính theo cơ chế quỹ, tức là với các quỹ phát triển khoa học công nghệ của nhà nước, của doanh nghiệp luôn được bố trí kinh phí đủ để khi các nhà khoa học, doanh nghiệp có nhu cầu, có vấn đề về công nghệ cần giải quyết thì phải cấp tiền ngay lập tức để bắt kịp tính thời sự của đề tài. Nếu là ngân sách nhà nước thì cần giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm đề tài. Họ phải được quyền tự chủ cao về sử dụng kinh phí theo cơ chế khoán chi, giao quyền sở hữu sau khi nghiệm thu. Kinh phí ngân sách được chuyển nguồn tự động khi không giải ngân kịp tiến độ và quyết toán một lần duy nhất khi nghiệm thu đánh giá (hiện đang quyết toán theo năm tài chính rất khó khăn, nhiều khi không quyết toán kịp thời).

Ba là, có quy định cụ thể về chính sách đãi ngộ với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng. Quy định rõ lương, phụ cấp, thu nhập, quyền của họ trong sử dụng ngân sách nhà nước; quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu, quyền chuyển nhượng góp vốn cho doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước và phải thường xuyên được giao nhiệm vụ.

Bốn là, sửa các luật có liên quan. Luật khoa học và công nghệ đã cởi mở nhưng còn vướng mắc ở các luật khác. Ví dụ, Luật khoa học và công nghệ quy định viên chức ở các viện nghiên cứu, trường đại học được giao quyền tự chủ, giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ để được chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp, có thể thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để kinh doanh chính sản phẩm và được hưởng lợi nhuận. Nhưng, Luật Viên chức 2010 lại nghiêm cấm viên chức thành lập doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp. Nhà khoa học nghiên cứu ra kết quả tốt nhưng không được lập doanh nghiệp tự kinh doanh phát triển sản phẩm, không có quyền sở hữu nên không chuyển nhượng và góp vốn vào doanh nghiệp được, sản phẩm khó đi vào cuộc sống và bản thân nhà khoa học khó sống.

Những sản phẩm tốt nhưng không thể trở thành sản phẩm của xã hội chỉ vì vướng mắc về quyền sở hữu và định giá. Trong khi ở các nước phát triển, nhà khoa học được quyền thành lập doanh nghiệp spin-off, được quyền chuyển nhượng và góp vốn vào doanh nghiệp bằng kết quả nghiên cứu kể cả sử dụng ngân sách nhà nước. Kết quả là quá trình phát triển công nghệ diễn ra rất mạnh mẽ và hiệu quả, nhà khoa học sống tốt bằng hoạt động nghiên cứu, nhà nước thu hồi được vốn đầu tư thông qua thuế của doanh nghiệp.

Như vậy, cùng với việc sửa đổi Luật khoa học và công nghệ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần quan tâm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Viên chức để có hệ thống pháp luật đồng bộ. Ngoài ra, các luật khác như Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Luật sử dụng tài sản công, Luật chuyển giao công nghệ… cũng phải sửa đổi các điều khoản liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quân!

Tài liệu tham khảo:

[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1

[2] Văn kiện Đại học Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2