|
Nhân dân tệ lao đốc mạnh mẽ trong những ngày qua trước dịch bệnh Covid-19 đã gây áp lực lên tiền đồng. |
Tăng nhanh theo giá đô la quốc tế
Tính đến ngày 17-2-2020, tỷ giá trung tâm giữa đô la Mỹ và tiền đồng đang nằm tại 23.218, tăng 63 đồng, tương ứng 0,27% so với đầu năm. Nếu so với mức tăng đến 90 đồng, tương đương 0,4% của cùng thời điểm này năm 2018, thì mức tăng của tỷ giá trung tâm thời gian qua không có gì đột biến.
Tương tự, giá mua vào đô la Mỹ của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ ổn định ở 23.175 đồng, còn giá bán ra được điều chỉnh theo tỷ giá trung tâm nên cũng chỉ tăng 65 đồng, tương ứng 0,27% so với đầu năm nay. Đáng lưu ý là chênh lệch giá mua vào và bán ra tiếp tục nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng.
Nếu nhìn sang giá giao dịch tại các ngân hàng mới thấy nhu cầu đô la dường như đang mạnh trở lại. Giá mua, bán ra đô la tại Vietcombank đã tăng tương ứng 60 đồng và 90 đồng ở chiều mua vào và bán ra, tương ứng mức tăng 0,26% và 0,34% so với đầu năm. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, giá giao dịch tại Vietcombank chỉ tăng vỏn vẹn có 5 đồng. Tương tự giá mua bán trên thị trường tự do cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng có dấu hiệu leo thang nhanh kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, cùng xu hướng với giá đô la trên thị trường quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số USD Index đã leo lên mốc trên 99 điểm, tăng gần 2% so với thời điểm cuối tháng 1 tại vùng 97 điểm. Còn nếu so với thời điểm đầu năm nay, chỉ số đo lường sức mạnh đô la Mỹ đã tăng đến 3%, đánh dấu chuỗi tăng mạnh nhất trong nửa năm qua.
Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc trong khi gây áp lực giảm giá lên một số đồng tiền, thì ngược lại cũng hỗ trợ tăng giá những đồng tiền được cho là có tính an toàn cao như yen Nhật hay đô la Mỹ, nhất là khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng ổn định và chưa cho thấy bị ảnh hưởng quá lớn từ dịch bệnh lần này.
Thực tế là chứng khoán Mỹ trong những phiên vừa qua đã phục hồi trở lại và tiếp tục leo lên những đỉnh cao mới.
Những áp lực mới
Trong khi đó, tiền đồng cũng đang chịu áp lực từ diễn biến mất giá của các đồng tiền trong khu vực. Đơn cử như baht của Thái Lan sau khi tăng giá đến 8% so với đô la Mỹ trong năm 2019, thì chỉ trong một tháng rưỡi đầu năm đã mất gần 5%, trở thành đồng tiền lao dốc mạnh nhất tại khu vực châu Á.
Khi hoạt động xuất khẩu chậm lại, dòng vốn đầu tư có nhiều hạn chế, mà đó là hai yếu tố chính đóng góp vào nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam trong những năm gần đây, nhà điều hành buộc phải có những giải pháp điều hành tỷ giá thận trọng hơn. Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng cũng sẽ khiến nguồn cung ngoại tệ bị thu hẹp. |
Tương tự, nhân dân tệ của Trung Quốc sau khi tăng giá hơn 3,3% so với đô la Mỹ tính từ đầu tháng 12-2019 đến giữa tháng 1-2020, thì kể từ đó đến nay đã mất giá hơn 2% trở lại. Đáng lưu ý, trong ngày giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cặp tỷ giá đô la/nhân dân tệ đã tăng một mạch từ 6,9371 lên 7,0215, tức tăng hơn 1,2% chỉ trong một ngày.
Đó chỉ là hai trong số nhiều đồng tiền trong khu vực đối mặt với sự lao dốc mạnh mẽ trong những ngày qua trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Xu hướng này nếu tiếp tục sẽ gây áp lực lên tiền đồng, đặc biệt là ở nhân dân tệ khi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Trước viễn cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, PBoC ngoài nới lỏng chính sách tiền tệ, có khả năng sẽ tiếp tục phá giá nhân dân tệ khi đã có lý do hợp lý vì dịch bệnh, nhất là khi Mỹ cũng đã gỡ bỏ nhãn thao túng tiền tệ cho nước này trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ gần đây. Quá khứ cho thấy mỗi khi nhân dân tệ bị phá giá mạnh, tiền đồng cũng chịu áp lực không hề nhỏ.
Một yếu tố khác cũng cần dè chừng đối với thị trường ngoại hối trong năm nay là tình hình bầu cử tổng thống tại Mỹ, với những dự báo sẽ có những tác động mạnh mẽ khó lường lên đồng đô la. Lịch sử cho thấy đồng đô la tăng giá rất mạnh trong giai đoạn bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, nhưng đã điều chỉnh giảm mạnh trở lại trong năm 2017 sau đó, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump luôn tuyên bố sẽ tìm mọi cách giảm sức mạnh của đồng đô la để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại.
Nguồn cung nội tệ có ảnh hưởng?
Trong khi đó, dịch bệnh lần này vẫn đang lây lan rất khó lường và chưa thể đánh giá được mọi việc sẽ diễn tiến đến đâu, do đó hoạt động đầu tư và giao thương sẽ trở nên trì trệ là tất yếu. Việt Nam với đặc thù vị trí địa lý ngay cạnh Trung Quốc cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là khi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay và thời gian gần đây dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam cũng tăng trưởng rất mạnh.
Khi hoạt động xuất khẩu chậm lại, dòng vốn đầu tư có nhiều hạn chế, mà đó là hai yếu tố chính đóng góp vào nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam trong những năm gần đây, nhà điều hành buộc phải có những giải pháp điều hành tỷ giá thận trọng hơn. Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng cũng sẽ khiến nguồn cung ngoại tệ bị thu hẹp.
Ngoài ra, trong bối cảnh các đồng tiền ở khu vực giảm giá mạnh còn tiền đồng vẫn cố gắng duy trì sự ổn định như cam kết, lợi thế cạnh tranh thương mại của Việt Nam sẽ càng suy giảm. Theo thống kê tỷ giá chéo của Ngân hàng Nhà nước, tiền đồng đã tăng giá hơn 3% so với baht Thái kể từ đầu năm đến nay, trong khi cũng tăng giá đến 1% so với nhân dân tệ trong vòng một tháng qua.
Đáng lưu ý là diễn biến lạm phát cùng với giá vàng leo thang trong thời gian gần đây cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Lạm phát tăng có thể thúc đẩy người dân chuyển dịch tài sản sang các ngoại tệ khác để hạn chế sự mất giá tiền tệ, trong khi giá vàng nội địa nếu duy trì xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng quốc tế và giữ chênh lệch cao giữa hai thị trường, có thể khuyến khích hoạt động nhập lậu vàng dẫn đến làm tăng nhu cầu ngoại tệ, điều đã từng diễn ra trong quá khứ.
Theo TBKTSG