Tiến độ thỏa thuận đất hiếm Mỹ-Ukraine đang ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thỏa thuận đất hiếm tiềm năng giữa Mỹ và Ukraine ngày càng trở nên bất định sau khi Kiev vào cuối tuần qua từ chối dự thảo của Washington, trong đó đề xuất tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy một nửa khoáng sản của nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại Kyiv vào ngày 20/2. Ảnh: Getty.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại Kyiv vào ngày 20/2. Ảnh: Getty.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đặc biệt quan tâm đến đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác như titan và gali, bởi chúng là nền tảng cho mọi thứ từ hệ thống vũ khí tiên tiến đến công nghệ năng lượng sạch. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nhiều loại tài nguyên này, khiến Washington ráo riết tìm cách đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Mặc dù Ukraine được nhắc đến nhiều vì trữ lượng khoáng sản phong phú, nước này thực tế không sản xuất đất hiếm và đã không khai thác loại tài nguyên này trong nhiều thập kỷ qua – đặt ra câu hỏi về tính khả thi của một thỏa thuận tiềm năng. Dữ liệu địa chất còn hạn chế, trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra khiến nhiều vùng lãnh thổ giàu tài nguyên bị cô lập, cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản mới.

Dẫu vậy, tuần trước, kỳ vọng về một thỏa thuận vẫn ở mức cao khi cả Kiev và Washington dường như đang tiến gần hơn đến việc đạt được đồng thuận. Khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng hai bên sẽ thống nhất tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua.

Tuy nhiên, tại Munich, ông Zelensky đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, cho rằng dự thảo thỏa thuận không đưa ra đảm bảo an ninh nào cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn nhận lại 500 tỷ USD khoáng sản để bù đắp cho sự hỗ trợ của Washington trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Theo ông Zelensky, con số viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Kiev không hề chạm đến mức đó.

"Không thể gọi đó là 500 tỷ USD rồi yêu cầu chúng tôi trả lại 500 tỷ USD bằng khoáng sản hay thứ gì khác. Đây không phải là một cuộc thảo luận nghiêm túc", ông Zelensky phát biểu ngày 19/2, nhấn mạnh rằng Washington đã hỗ trợ Ukraine 67 tỷ USD vũ khí và 31,5 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. "Tôi không thể bán đất nước mình".

Sự phản đối của ông Zelensky đã khiến ông Trump giận dữ. Gần đây, ông Trump ngày càng lặp lại các luận điểm của Điện Kremlin khi gia tăng chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine.

Ngày 19/2, ông Trump cáo buộc ông Zelensky "phá vỡ" thỏa thuận đất hiếm, dù thực tế chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Đến ngày 20/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố ông Zelensky đã "đảm bảo với tôi rằng ông ấy sẽ ký thỏa thuận khoáng sản ở Munich, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra".

"Trình tự dự kiến là: thắt chặt quan hệ kinh tế giữa Ukraine và Mỹ, thuyết phục công chúng Mỹ ủng hộ, sau đó gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga rằng nếu cần, chúng tôi sẵn sàng gia tăng trừng phạt", ông Bessent giải thích. Ông cũng cho rằng bản thân thỏa thuận khoáng sản này có thể xem là một dạng bảo đảm an ninh cho Ukraine. "Mỹ, với lợi ích kinh tế lớn hơn ở Ukraine, sẽ tạo ra một lá chắn an ninh".

Giới chức Mỹ dường như đang tìm một hướng đi khác. Theo Reuters, chính quyền ông Trump có thể tìm cách ký trước một thỏa thuận khoáng sản đơn giản, rồi tiếp tục đàm phán chi tiết sau đó. Nếu đạt được một thỏa thuận sơ bộ, ông Trump có thể sẽ sẵn sàng cấp thêm viện trợ cho Ukraine hoặc thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Axios hôm 20/2 đưa tin ông Trump đã đề xuất một bản dự thảo "được cải thiện" về thỏa thuận khoáng sản cho Ukraine, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz tuyên bố rằng ông Zelensky "cần quay lại bàn đàm phán".