Tiễn biệt vị tướng Anh hùng trải qua 4 cuộc chiến

E-magazine Tiễn biệt vị tướng Anh hùng trải qua 4 cuộc chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đã từ trần hồi 16h10 ngày 23/11, hưởng thọ 94 tuổi. 50 năm trong quân ngũ, ông là chứng nhân hầu hết các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX.

Sub1.png

Lần giở những năm tháng cuộc đời Trung tướng Khuất Duy Tiến, có thể thấy một điều đặc biệt: Ông trưởng thành từ chiến sĩ lên Tư lệnh Quân đoàn rồi được giao các trọng trách trong quân đội. Ông trực tiếp tham gia hầu hết các cuộc chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX.

Sinh năm 1931 ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), tháng 9/1945, khi mới 14 tuổi, ông Khuất Duy Tiến đã hoạt động cách mạng, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng và diệt ác, trừ gian tại địa phương. Không may bị địch bắt, tra tấn, giam cầm ở các nhà tù Sơn Tây và Hỏa Lò nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết. Sau đó ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động.

Tháng 9/1950, ông nhập ngũ, là chiến sĩ Đại đội 737, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Được trui rèn qua khói lửa chiến trận, ông được giao giữ chức Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 27, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng), chiến đấu trên địa bàn các tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.

cong-dan-uu-tu-thu-do-20231-1696.jpg
Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Kết thúc Kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng Đại đội 129, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 Sư đoàn 320.

Sự thăng tiến của ông luôn gắn liền với những chiến công của Sư đoàn 320 lừng danh: Tháng 11/1969 ông là Đại úy, Trung đoàn phó; tháng 2/1971 là Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, tham gia chỉ huy Trung đoàn chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Từ tháng 12/1973 đến 4/1975, ông là Trung tá, Trưởng phòng Tác chiến, Mặt trận B3 Tây Nguyên, sau là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

Giữa tháng 4/1975, khi đang là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, ông được thăng quân hàm Thượng tá và nhận nhiệm vụ đốc chiến các đơn vị tiến công căn cứ Đồng Dù, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của quân đội VNCH ở hướng tây bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy lúc 11h30 ngày 30/4/1975.

Từ tháng 12/1976 đến 11/1979, ông là Thượng tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn rồi Đại tá, Tư lệnh Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.png
Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, hai vị cựu Tư lệnh Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên. Ảnh: Báo Giao Thông.

Tháng 12/1979, ông là Đại tá, Tham mưu trưởng; năm 1980 ông được bổ nhiệm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3. Tháng 4/1984, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Từ tháng năm 1984 đến 1989, ông là Tư lệnh Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ huấn luyện và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tháng 6/1989 được điều động về Bộ, giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu đến năm 1994; tháng 2/1990, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Từ tháng 6/1994 đến tháng 10/1997, ông được điều động làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 1 – cái nôi đào tạo sĩ quan binh chủng hợp thành của quân đội.

Từ tháng 10/1997 đến năm 2001, ông được Nhà nước cho nghỉ chờ hưu, năm 2001 ông có quyết định nghỉ hưu.

sub2.png

Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, ông Khuất Duy Tiến giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Trong chiến dịch này, ngày 25/2/1971, tại Đồi 31, dưới sự chỉ huy của ông, đơn vị đã bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 khét tiếng của quân đội Sài Gòn.

Nguyen Van Tho.jpg
Nguyễn Văn Thọ, Lữ trưởng Lữ đoàn dù 3 quân đội Sài Gòn bị bộ đội Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 bắt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ảnh: Báo QK4.

Lúc đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” địch đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã gấp rút triển khai toàn diện việc đối phó. Ông Khuất Duy Tiến khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, trực tiếp chỉ huy trận tiến công đánh chiếm sở chỉ huy địch. Trận này bộ đội ta đã sử dụng xe tăng phối thuộc bộ binh xung phong áp đảo đánh địch cố thủ trong công sự giành thắng lợi giòn giã, bắt sống tên Đại tá Lữ đoàn trưởng địch, một sự kiện gây rúng động lúc bấy giờ.

Khi kể lại về trận đánh thắng giòn giã này, hồi năm 2022 khi được phóng viên gặng hỏi, vị tướng Anh hùng chỉ nói vắn tắt: "Trận Đường 9 - Nam Lào, Trung đoàn tôi diệt được Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn pháo binh của Lữ dù 3 ngụy, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy lữ đoàn".

Tuy nhiên, khi bị cán bộ Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị hỏi cung, Nguyễn Văn Thọ vẫn chưa hết khiếp đảm: lính Việt Nam Cộng hòa rất bất ngờ trước sự xuất hiện của xe tăng Quân Giải phóng trên chiến trường, vì thế đều hốt hoảng chui vào công sự, có súng chống tăng M72 trong tay cũng không bắn được. Viên đại tá tù binh còn kể khá chi tiết thời điểm bị bắt: “Quân lính chúng tôi khi bị các ông tấn công, ai nấy tìm đường tháo chạy. Còn tôi, tứ phía bị vây hãm, không biết tính sao, tôi đành nằm giả chết dưới hầm để lẩn trốn. Nghe bên ngoài tiếng thét xung phong, tiếng xe tăng gầm rú, biết binh lính của các ông đã chiếm được sở chỉ huy của tôi… Khi nghe tiếng hô: ‘Hàng thì sống, chống thì chết!’. Tôi vội đứng dậy, giơ hai tay lên chịu bị bắt”.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

sub3.png

Trong cuộc đời trận mạc, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã cùng các đồng đội lập nhiều chiến công. Trong những chiến công ấy, điều khiến nhiều người nhớ và nhắc về ông mãi mãi sau này, chính là nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo nên Đại thắng Mùa xuân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời điểm đó, Thượng tá Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng Tác chiến mặt trận Tây Nguyên (B3), ông là người cầm bút soạn thảo kế hoạch nghi binh.

Tuong Tien va ban sao Ke hoach nghi binh.png
Trung tướng Khuất Duy Tiến và bản sao Kế hoạch nghi binh. Ảnh: Báo Giao Thông.

Trên 10 trang giấy, một kế hoạch tác chiến hoàn hảo giả đã được tạo ra. Kế hoạch nghi binh ấy đã lừa được địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai. Nhưng thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Đây được coi là cuộc nghi binh hoàn hảo trong kháng chiến chống Mỹ, khiến quân đội và chính quyền Sài Gòn bất ngờ, trở tay không kịp.

Với nghệ thuật nghi binh của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã tạo ra một cú lừa ngoạn mục – góp phần khiến quân địch bị bất ngờ, hoảng hốt rồi tan rã.

sub4.png

Tháng 2/1978, vừa được cử ra Hà Nội học gần 3 tháng, ông phải quay vào Tây Ninh cùng đơn vị bảo vệ biên giới chống bọn phản động Pol Pot xâm nhập gây tội ác và phản kích giúp lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.

Thắp hương đồng đội.jpg
Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tưởng nhớ đồng đội trong một lần trở lại thăm chiến trường xưa. Ảnh: Báo Giao Thông.

Trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh tháng 1/1979, Sư đoàn 320 đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh.

11h30 ngày 7/1/1979, khi nghe tin thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đứng lặng bên dòng Mê Kông thấm máu bộ đội. Trong lần trò chuyện với các phóng viên năm 2022, ông rưng lệ: “Hơn 2 năm đánh Pol Pot, có hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 320 mãi mãi không về”.

Chiến dịch mùa khô cuối 1979, ông chỉ huy Sư đoàn 320 sử dụng lực lượng cơ giới, tiến thọc sâu đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia), tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tbong Khmum), chỉ trong một ngày đã diệt gọn mục tiêu.

sub5.png

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, Quân đoàn 3 được điều ra miền Bắc làm lực lượng cơ động của Bộ và đại tá Khuất Duy Tiến, Tham mưu trưởng được bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn tháng 12/1983.

Từ đầu năm 1985, khi Sư đoàn 31 của Quân đoàn 3 được điều động lên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang tham gia chiến đấu phòng ngự bảo vệ biên giới; Thiếu tướng Khuất Duy Tiến đã lên Vị Xuyên, đến từng căn hầm, đoạn hào với bộ đội. Với kinh nghiệm từ thực tế chiến trường, ông chỉ đạo làm đường, đặt thang dây, cải tạo các hang đá, hốc núi thành kho trạm, hầm trú ẩn và xây dựng hầm bê tông trên các điểm tựa.

Nhờ hệ thống phòng ngự vững chắc, Sư đoàn 31 đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công lớn của đối phương, giữ vững trận địa cho đến khi đơn vị bạn vào thay thế.

Hai cha con, hai Trung tuong.jpg
Trung tướng Khuất Duy Tiến và con trai, Trung tướng Khuất Việt Dũng.
 Ảnh: Báo Thanh Niên.

Có thể nói, cuộc đời Trung tướng Khuất Duy Tiến gắn với một thời kỳ lịch sử mấy chục năm giữ nước.

Ông từng tâm sự, 6 lần vợ vượt cạn ông đều không thể có mặt bên cạnh; một mình bà vất vả nuôi con nên đã mất 2 người. Bốn người con còn lại đều phương trưởng, người con cả là Khuất Việt Dũng theo chân cha vào quân ngũ, sau mang quân hàm Trung tướng, trước khi nghỉ hưu là Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hiện đang là Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Người con trai út Khuất Việt Hùng là Tiến sĩ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện là Viện trưởng Viện chiến lược giao thông vận tải (Bộ GTVT)…

Với những đóng góp của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý gồm: Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ва), Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng... Ngày 30/10/2013, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Được biết, lễ viếng Trung tướng Khuất Duy Tiến diễn ra từ 7h tới 10h ngày 26/11 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra từ 10h tới 10h30 cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang nhân dân xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.