Tianhong AM - quỹ đầu tư của Alibaba nhắm tới thị trường Việt Nam có gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhiều quỹ đầu tư Trung Quốc quan tâm, trong số đó có Tianhong AM – thành viên của Alibaba.
Trụ sở chính của Tianhong AM. Nguồn: Archdaily.com
Trụ sở chính của Tianhong AM. Nguồn: Archdaily.com

Tháng 2/2020, Tianhong Asset Management (Tianhong AM) đã ra mắt sản phẩm China QDII (Qualified Domestic Institutional Investor) đầu tiên nhằm đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

China QDII là sản phẩm cho phép các tổ chức và nhà quản lý quỹ đủ tiêu chuẩn có thể đầu tư vốn ra nước ngoài trong một hạn mức cho phép. Hạn mức mà Tianhong AM được cấp phép là 200 triệu USD.

“Hiện nay Tianhong đang giảm sự phụ thuộc vào Yu’e Bao bằng cách tung ra các sản phẩm phi tiền tệ, bao gồm các sản phẩm đầu tư ra nước ngoài”, Reuters trích lời Liu Dong, giám đốc bộ phận kinh doanh quốc tế của quỹ.

Được thành lập từ năm 2004, Tianhong AM hoạt động theo mô hình quỹ tương hỗ (mutual fund) do Ant Financial – thành viên của tập đoàn Alibaba – sở hữu 51% vốn.

Tianhong AM cũng là quỹ đầu tiên tại Trung Quốc có tổng tài sản vượt 142 tỉ USD. Sản phẩm nổi tiếng và thành công nhất của công ty là quỹ thị trường tiền tệ Yu’e Bao (nghĩa là “kho báu còn lại”), ra mắt năm 2013 dưới sự hợp tác với Alipay.

Khi mới thành lập, sản phẩm được gọi là “bình cũ rượu mới”, không được để ý nhiều, vì lãi suất tiền gửi vào quỹ cũng chỉ ngang với mức lãi suất gửi ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ sau sáu tháng ra mắt, Yu'e Bao đã thu hút được tới 29 triệu khách hàng và vẫn chưa dừng lại.

Điểm đặc biệt của Yu’e Bao chính là không giới hạn số tiền gửi. Khác với các sản phẩm gửi tiết kiệm của ngân hàng truyền thống, chỉ cần 0,1 RMB, người dùng cũng có thể chuyển từ ví điện tử Alipay (dùng để mua sắm trên sàn giao dịch điện tử của Alibaba) sang thành tiền gửi tiết kiệm có sinh lãi nhờ vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh.

Cùng với mạng xã hội, Yu’e Bao ngày càng nhận được sự chú ý hơn. Chỉ sau 10 tháng hoạt động, Yu’e Bao nắm trong tay khoảng 90 tỉ USD - hơn tất cả những công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc khác khi đó cộng lại. Sự thành công của Yu'e Bao mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường tiền tệ internet.

Dù có nhiều lợi thế, nhưng giống như bao quỹ thị trường tiền tệ khác, Yu'e Bao cũng tồn tại nhiều rủi ro về thanh khoản. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp dễ dàng ngay lập tức rút hết tiền ra, tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính.

Tốc độ phát triển thần tốc của Yu’e Bao cũng trở thành thách thức lớn đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản nói riêng và lĩnh vực ngân hàng nói chung tại Trung Quốc. Các ngân hàng không thích thú với sự xuất hiện của Yu’e Bao.

Mặc dù có thể dễ dàng thỏa thuận mức lãi suất cao trên số tiền gửi, nhưng trên thực tế, có năm ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Công nghiệp và thương mại, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Viễn thông từ chối nhận tiền gửi của Yu’e Bao./.

Nguồn tham khảo:

https://qz.com/1791778/ant-financials-yue-bao-is-no-longer-the-worlds-biggest-money-market-fund/

http://www.thfund.com.cn/en/about.html

https://www.forbes.com/sites/ericxlmu/2014/05/18/yuebao-a-brief-history-of-the-chinese-internet-financing-upstart/?sh=3defa5c13c0e

https://fundselectorasia.com/chinas-tianhong-am-rolls-out-vietnam-fund/

https://www.investopedia.com/terms/q/qdii.asp

https://www.reuters.com/article/us-antfinancial-vietnam-exclusive-idUSKBN1YN1DI

http://www.fundsglobalasia.com/news/tianhong-am-appoints-hsbc-as-custodian-for-vietnam-fund