Thương vụ trái phiếu nửa nghìn tỉ của CII và thế khó của các ‘ông lớn’ hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kế hoạch huy động 500 tỉ đồng trái phiếu được CII thúc đẩy khi các khoản vay và trái phiếu đến hạn trả của công ty này (tại ngày 30/6/2021) lên tới 1.947 tỉ đồng, tăng 1,7 lần so với đầu năm.
Các 'ông lớn' hạ tầng CII, HHV, HUT tất bật triển khai các kế hoạch huy động vốn
Các 'ông lớn' hạ tầng CII, HHV, HUT tất bật triển khai các kế hoạch huy động vốn

Theo đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã CK: CII) dự kiến phát hành tối đa 500 tỉ đồng trái phiếu mã CIIB2124002, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Số trái phiếu này sẽ có lãi suất cố định, dự kiến không vượt quá 10,5%/năm.

Với số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu, CII sẽ dùng 265 tỉ đồng để thanh toán gốc vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), 235 tỉ đồng rót vào các thương vụ hợp tác đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 với CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội với CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội.

CII cho biết công ty đang triển khai các thủ tục để xin ý kiến chấp thuận về việc phát hành trái phiếu tại UBCKNN. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Mã CK: ORS) và CTCP Chứng khoán Tp. HCM (Mã CK: HCM).

Theo tìm hiểu của VietTimes, tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ vay và thuê tài chính của CII đạt 17.500 tỉ đồng, chiếm quá nửa quy mô nguồn vốn và tăng 922 tỉ đồng so với đầu năm.

Đáng chú ý, từ năm 2019, CII đã vay ngắn hạn cả trăm tỉ đồng từ các công ty chứng khoán với lãi suất từ 10-14%/năm để ‘đầu tư chứng khoán’, tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một số công ty trong tập đoàn. Tại ngày 30/6/2021, số dư của khoản vay này được CII ghi nhận lên tới 367,1 tỉ đồng.

Áp lực thanh khoản sẽ là thách thức không nhỏ cho CII khi số dư các khoản vay dài hạn và trái phiếu đến hạn đã tăng 1,7 lần so với đầu năm, lên tới 1.947 tỉ đồng, còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 âm tới 811,1 tỉ đồng.

Tác động của dịch Covid-19 đã buộc CII phải dừng thu phí giao thông và dừng thi công các công trình xây dựng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Theo CII, việc dừng thu phí không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm tài chính 2021.

Một doanh nghiệp hạ tầng khác là CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã CK: HHV) đang lên kế hoạch triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 để bàn chuyện tăng vốn điều lệ và thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Không phải chịu cảnh âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 như CII, song HHV cũng đang chịu nhiều áp lực từ gánh nặng tài chính. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay của HHV lên tới 306,9 tỉ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 30/6/2021, tổng dư nợ vay và thuê tài chính của HHV đạt 21.003 tỉ đồng, tương đương 63,8% quy mô nguồn vốn.

Nhắc tới các ‘ông lớn’ hạ tầng đang niêm yết, khó có thể bỏ qua CTCP Tasco (Mã CK: HUT). Công ty này cũng phải chịu áp lực lớn từ khối nợ hơn 5.200 tỉ đồng khi chi phí lãi vay nửa đầu năm 2021 tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 166,3 tỉ đồng.

HUT đang lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 80 triệu cổ phần cho 6 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Với số tiền thu về, công ty sẽ dành nửa nghìn tỉ để góp vốn vào CTCP VETC, 200 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động cho gói thầu xây dựng “dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2”, và 100 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu./.