Thương vụ thâu tóm Coca-Cola Việt Nam của Swire Pacific: Có phải nộp thuế?

VietTimes – Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng cơ quan thuế có thể thu hàng nghìn tỉ đồng từ 'deal' tỉ đô giữa Swire Pacific và Coca-Cola.
Coca-cola có thể phải nộp thuế hơn nghìn tỉ đồng sau thương vụ chuyển nhượng cho Swire Pacific

Như VietTimes đã đưa tin, Swire Coca-Cola Limited – thành viên của Swire Pacific Limited - đã đạt được thỏa thuận mua lại dây chuyền sản xuất của Coca-Cola ở Việt Nam và Campuchia. Thương vụ dự kiến có giá trị lên tới 1 tỉ USD.

Trong thông cáo phát đi, Swire Pacific kỳ vọng việc mua lại hai công ty con của Coca-Cola sẽ giúp tập đoàn vươn lên vị thế dẫn đầu tại Đông Nam Á - một trong những thị trường đồ uống phát triển nhanh nhất thế giới.

Sau khi thương vụ hoàn tất, Swire Coca-Cola sẽ sở hữu và vận hành Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (có 3 cơ sở đóng chai) và Công ty TNHH Nước giải khát Campuchia (có 1 cơ sở đóng chai).

Đại diện của Coca-Cola cho biết, giao dịch này là việc đối tác mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, không ảnh hưởng đến tư cách pháp nhân của công ty này.

Trước những thông tin nêu trên, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam có thể sẽ để mất quyền thu thuế với thương vụ Coca-Cola Việt Nam như các vụ thất thu thuế trước đây.

Dẫn lời trên Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để truy thu thuế từ thương vụ trên.

Theo ông Phụng, việc Swire Pacific mua lại Coca-Cola Việt Nam là hình thức đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập). Nếu bên bán không tự nguyện khai nộp thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu bên bán cung cấp thông tin giá trị thương vụ, sau đó tính thuế.

“Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 20%. Nếu đúng theo con số ước tính giá trị thương vụ hơn 1 tỉ USD thì cơ quan thuế có thể thu hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước”, ông Phụng nói.

Nguyên Vụ trưởng thông tin thêm, Việt Nam đã có tiền lệ thu hàng nghìn tỉ đồng thuế từ thương vụ chuyển nhượng BigC và Metro, nên việc thu thuế từ thương vụ chuyển nhượng Coca-Cola Việt Nam là khả dĩ.

Trước đó, năm 2015, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam), bao gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan khác trị giá 655 triệu Euro.

Sau khi phát hiện MCC Việt Nam có hành vi chuyển giá, cơ quan thuế đã truy thu 1.911 tỉ đồng tiền thuế từ thương vụ này.

Hay năm 2016, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp). Với giá trị chuyển nhượng lên đến 1,1 tỉ USD, Big C phải thay Central Group kê khai và nộp tổng cộng 2.034 tỉ đồng tiền thuế./.