Ảnh: SCMP |
Theo SCMP, các mức thuế trừng phạt đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất có khả năng kìm hãm BYD, Chiết Giang Leapmotor và hàng loạt các công ty cùng ngành tại Trung Quốc thúc đẩy doanh số bán hàng tại Mỹ, ngay cả khi họ đẩy nhanh tốc độ điện khí hóa trong ngành ô tô toàn cầu.
Họ cho biết thêm, một số nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc sẽ thận trọng trong nỗ lực mở rộng ra nước ngoài sau khi Mỹ tiến hành áp thuế 100% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô này đang chuẩn bị đón một đòn khác ở châu Âu, sau khi Ủy ban châu Âu bắt đầu điều tra vào năm ngoái về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất ô tô.
David Zhang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác quốc tế ô tô kỹ thuật số WDEF tại Thượng Hải cho biết: “Thị trường Mỹ có tầm quan trọng sống còn đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu”.
Được biết, Nhà Trắng hôm qua đã tuyên bố tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất từ 25%. Được biết, Pin lithium, thép, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và chip bán dẫn cũng bị áp mức thuế cao hơn.
Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ duy trì mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 300 tỉ USD được áp đặt trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, loại thuế đã gây ra cuộc chiến thương mại tốn kém giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc trước đó đã phản ứng với việc tăng thuế sắp xảy ra bằng cách nói rằng Mỹ đang chính trị hóa các vấn đề thương mại, đồng thời lạm dụng cái gọi là quy trình xem xét thuế quan. Lin Jian, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Việc tăng thuế cũng diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng lo ngại về những rủi ro tiềm tàng tới từ các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết vào tháng 1 rằng những phương tiện đó sẽ thu thập “một lượng thông tin khổng lồ về tài xế” ở Mỹ.
Trong khi Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện toàn cầu, nơi doanh số bán xe thuần điện và xe plug-in hybrid chiếm 60% tổng doanh số toàn cầu, thì gần như không có xe điện nào sản xuất tại Trung Quốc được bán ở Mỹ.
Chen Jinzhu, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, cho biết: “Khi một nhà sản xuất ô tô chuyển sang khai thác thị trường mới, họ cũng phát triển và xây dựng các mẫu xe cụ thể để phục vụ khách hàng địa phương và tuân thủ luật pháp và quy định nước ngoài. Nhìn xa hơn, các rào cản thương mại do Mỹ dựng lên sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà sản xuất ô tô vào chiến lược toàn cầu hóa của họ, mặc dù Mỹ chưa phải là thị trường mục tiêu chính của họ”.
Trong một báo cáo phân tích của UBS Group vào tháng trước về mẫu Seal EV của BYD, ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ nhận thấy rằng mẫu sedan này có lợi thế hơn Model 3 của Tesla được lắp ráp tại Trung Quốc. Chi phí sản xuất của nó được ước tính thấp hơn 15% so với Model 3.
Năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu xe lớn nhất thế giới khi tăng 22% đạt 4,91 triệu chiếc. Riêng việc giao xe điện cho thị trường nước ngoài đã tăng 78% lên 1,2 triệu chiếc so với một năm trước đó.
Ô tô do Trung Quốc sản xuất đang được hưởng lợi từ tốc độ điện khí hóa nhanh hơn tại quê nhà. UBS cho biết trong một báo cáo hồi tháng 9 rằng họ sẽ kiểm soát 33% thị trường toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức 17% vào năm 2022.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từ lâu đã mong muốn vươn ra toàn cầu theo chiến lược công nghiệp Made in China 2025 của Bắc Kinh, theo đó, hai nhà sản xuất xe điện hàng đầu của nước này dự kiến sẽ tạo ra 10% doanh số bán hàng từ thị trường nước ngoài vào năm 2025.
Theo SCMP