Giá giảm không nhiều
Sữa - mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vốn tăng nhiều năm qua - được kỳ vọng sẽ giảm giá khi Việt Nam chính thức ký kết gia nhập TPP vào đầu 2016. Thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho rằng, do chi phí sữa nguyên liệu chiếm 20-25% giá thành sản xuất nên việc giảm thuế nhập khẩu chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5-1%. Chưa kể, các chi phí khác như tiền điện, tiền lương,... vẫn tăng nên giá sữa trong nước khó có thể giảm hơn.
Điều đó có nghĩa giá sữa chỉ giảm một vài phần trăm chứ không nhiều như người tiêu dùng kỳ vọng - ông Tuấn nói.
Còn ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, nhận xét, thuế nhập khẩu nguyên liệu giảm, cộng với việc áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại thì thời gian tới, giá sữa tươi sẽ giảm ít nhất 5-6%.
Riêng việc điều chỉnh giá thu gom sữa tươi từ các hộ chăn nuôi có thể xảy ra, nhưng đây là câu chuyện khác không liên quan đến TPP.
Hiện tại các công ty sữa cạnh tranh nhau, đẩy giá thu gom sữa tươi lên khá cao, khoảng trên 14.500 đồng/lít. Ông Tuấn dự báo, trào lưu các doanh nghiệp sữa và các đại gia nhảy vào đầu tư trang trại với quy mô hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con bò sữa, sẽ làm tăng nhanh nguồn cung sữa tươi trong ngắn hạn và sẽ góp phần điều chỉnh giảm giá thu gom sữa tươi.
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, hiện sữa sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của các nhà máy, còn lại 70% nguyên liệu là nhập khẩu.
Sữa nội dư sức đọ với sữa ngoại?
Nhận định về việc phải cạnh tranh với các loại sữa ngoại khi gia nhập TPP, ông Trần Công Chiến cho rằng, khi hội nhập sâu, đặc biệt là tham gia sân chơi chung TPP, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, các nước thuộc EU bởi họ có đất đai rộng lớn, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, đối thủ nặng ký nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là New Zealand. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không hề ngại bởi chỉ cần cố gắng có thể đủ sức cạnh tranh.
Gia nhập TPP, người tiêu dùng kỳ vọng giá sữa trong nước sẽ giảm.
Ông Chiến cho hay doanh nghiệp của mình đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chứ không phải cho tới tận bây giờ khi TPP chính thức được ký kết. Đó là việc nâng dần quy mô chăn nuôi nông hộ, tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Còn theo bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, vào TPP người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
“Thị trường hàng tiêu dùng sẽ rộng mở, trong đó có sữa, bởi các bà mẹ vốn rất sính ngoại. Vì vậy, chúng ta cần lập ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ cho mặt hàng này, phải xây dựng quy chuẩn mực cho mặt hàng sữa, minh bạch thị trường sữa để sữa nội sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm sữa ngoại”, bà Thái Hương nói.
Trong khi đó, ông Hà Quang Tuấn cũng cũng khẳng định, sau khi gia nhập TPP, ngành sữa trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Theo đó, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em.
“Với những sản phẩm khác như sữa tươi, sữa nước, sữa chua,... doanh nghiệp sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên sân nhà”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, trái với những cái nhìn lạc quan trên, một số ý kiến khác nhận định, khi vào TPP, sản phẩm sữa tại các nước có lợi thế như New Zealand, Australia, Mỹ,... sẽ tràn vào nước ta.
Mà, chi phí sản xuất sữa trung bình tại các nước này thấp hơn Việt Nam đáng kể, như Australia và New Zealand là 35 USD, Mỹ 41,4 USD,... trong khi ở Việt Nam để sản xuất ra 100 kg sữa tươi cần khoảng 42-52 USD.
Chưa kể, có những cảnh báo cho thấy, việc nhập khẩu sữa bột vào Việt Nam sẽ diễn ra ồ ạt khi mức thuế còn 0% sẽ phá vỡ xu hướng tiêu dùng sữa tươi hiện nay, chưa kể nhập sữa tươi cũng thuận lợi hơn. Điều này gây bất lợi cho các thương hiệu sữa tươi trong nước. Nhất là trong bối cảnh vẫn còn sự nhập nhèm trong nhận thức giữa sữa tươi 100% và sữa hoàn nguyên (sữa bột nhập về pha thành sữa).
Vì thế, việc có những quy định cụ thể để minh bạch tiêu chuẩn các loại sữa ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Theo VNN