Thức xuyên đêm, ở bệnh viện trong thời gian “kỷ lục” để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 từ tay tử thần, các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thức xuyên đêm, ở Bệnh viện suốt 16 tháng.
Các bác sĩ thức xuyên đêm cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Đặng Thanh)
Các bác sĩ thức xuyên đêm cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Đặng Thanh)

Không chùn bước trước đại dịch

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) đang là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất cả nước.

TS.BS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: Trong số những bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Bệnh viện, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Những trường hợp chạy ECMO đều là các ca bệnh thách thức đối với các bác sĩ.

Điển hình là trường hợp một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào Bệnh viện ngày 4/5. Từ ngày 5/5 đến nay, các bác sĩ đã phải can thiệp ECMO, lọc máu cho bệnh nhân. Bên cạnh việc mắc COVID-19, bệnh nhân có bệnh nền phức tạp, suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ, suy tim độ IV, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt kéo dài - viêm hạch. Trước khi phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân từng có 1,5 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

TS.BS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

TS.BS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Do mật độ bệnh nhân đông và mỗi ngày một gia tăng, chưa kể các bệnh nhân thường không mắc COVID-19 do Bệnh viện bị cách ly nên chưa thể xuất viện, nên mong muốn lớn nhất của Bệnh viện là chuyển những bệnh nhân thường, không mắc COVID-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm, phù hợp với mong muốn của người bệnh.

“16 tháng nay chúng tôi đã liên tục có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần. Cả Bệnh viện đều mong muốn "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng không mắc COVID-19, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới. Hiện, các bệnh viện ở địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân COVID-19 về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị" - TS. Thạch nói.

Thực tế, sau khi có bác sĩ nhiễm virus SARS-CoV-2, toàn thể thầy thuốc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã trở thành F1. Với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là bác sĩ vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau.

Trắng đêm chiến đấu với tử thần

BS. Phạm Văn Phúc là một trong nhiều bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Hơn 1 năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất là giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, đợt dịch lần này quá khắc nghiệt. Lượng bệnh nhân nhiều, Bệnh viện lại bị phong toả nên công việc của bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần.

BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Đêm 15/5 là đêm mà BS. Phúc cùng các đồng nghiệp không thể nào quên khi cả ê kíp đã thức trắng để cấp cứu cho 5 bệnh nhân COVID-19 nặng mới vào, trong số đó có một bệnh nhân diễn biến nguy kịch. “Đó là một đêm có nhiều “kỷ lục” đáng buồn” – anh nói.

Kỷ lục này chính là kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện. Chưa bao giờ Khoa Hồi sức tích cực lại tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế.

Video các bác sĩ cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh nặng (Video - Đặng Thanh)

Vì lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng nhiều, nên số lượng bác sĩ, nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài đã phải huy động tối đa lúc gần 0h đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng. Không chỉ vậy, các bác sĩ còn tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) 1 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch,… Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, các bác sĩ vẫn luôn giữ bình tĩnh, kiên cường chiến đấu với tử thần để cứu sống người bệnh một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

“Đợt dịch nào anh em cũng vất vả, nhưng lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất” - BS. Phúc tâm sự.

Kiên cường chiến đấu với COVID-19

"Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Tôi của ngày hôm nay đấy." - lời tâm sự nhói lòng của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mở ra câu chuyện khiến nhiều người trào nước mắt.

"Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng bỗng trĩu nặng…

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến mới, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…

Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?

Thứ Bảy, ngày thứ 10 cách ly...".

Xa con cái, xa người thân yêu, bỏ lại sau lưng bố mẹ già yếu ốm đau, không thể kề bên chào tạm biệt lần cuối... Những hy sinh lớn lao ấy của những chiến sĩ áo trắng thật khó có gì đo đếm được.

Và cũng thật khó để trả lời một cách rõ ràng cho câu hỏi "vì sao mình chọn công việc này?" của nữ bác sĩ kia, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng: Họ đã sống và cống hiến một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình chiếc áo blouse.

Do trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh lại xuất hiện các F0 nên nhiều gia đình như BS. Phúc "bỗng dưng" trở thành F2 phải cách ly tại nhà.

Nhớ vợ thương con và chỉ có một mong muốn duy nhất là được ôm vợ con vào lòng, song BS. Phúc và hàng chục nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải tạm gác lại niềm hạnh phúc riêng để thực hiện sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.

Có thể thấy, trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hi sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời. Thế nhưng các bác sĩ vẫn luôn kiên trì, vững vàng gói những niềm vui, nỗi buồn ở nơi sâu thẩm nhất trong trái tim để toàn tâm, toàn ý cứu chữa người bệnh.