Thực hư thông tin “máy thở khiến bệnh nhân mắc COVID-19 dễ tử vong“?

VietTimes -- Trước một số thông tin cho rằng máy thở khiến một số bệnh nhân mắc COVID-19 dễ tử vong, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy

PV: Việc sử dụng máy thở có thể khiến bệnh nhân mắc COVID-19 dễ tử vong như có tờ báo thông tin không, thưa ông?

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp: Chỉ những trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng cực kỳ nặng mới phải thở máy. Vì thế, đã phải thở máy thì tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn những người không phải thở máy và cao hơn hẳn những người không nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia đang đặt ra vấn đề việc thở máy dành cho bệnh nhân mắc COVID-19 có phải là tối ưu hay không. Vì thế, chúng ta không nên hiểu nhầm rằng việc thở máy khiến bệnh nhân tử vong, mà phải nhận thức rằng chiến lược thở máy hiện nay đã tối ưu chưa và có cần cải tiến thêm gì không. 

PV: Xin ông cho biết, các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện phải thở máy có tình hình sức khỏe như thế nào?

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp: Các bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện phải thở máy đều đã hồi phục và có tiến triển khả quan.

Thực tế, những trường hợp không thể thở tự nhiên thì bắt buộc phải thở máy. Nếu bệnh nhân không thở máy thì tỷ lệ tử vong là 100%, nếu thở máy thì sẽ có một tỷ lệ sống nhất định. Do đó, chiến lược thở máy càng hợp lý thì tỷ lệ sống của bệnh nhân càng cao.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa đánh giá được tỷ lệ sống của bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi thở máy vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tùy thuộc vào sức đề kháng, nền tảng sức khỏe của từng bệnh nhân cũng như các cơ sở điều trị khác nhau mà tỷ lệ sống của bệnh nhân sẽ khác nhau.

PV: Chiến lược thở máy dành cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang được áp dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương như thế nào thưa ông?

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp: Chúng tôi đã có những thay đổi nhất định về mặt chuyên môn. Cùng với đó, chúng tôi đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong và ngoài Bệnh viện, các đồng nghiệp ở nước ngoài. Vì thế, mọi sự thay đổi về chiến lược thở máy chúng tôi đều thống nhất được với nhau.

PV: Vừa qua đã xuất hiện trường hợp bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Xin ông cho biết làm thế nào để phát hiện kịp thời những trường hợp như vậy?

Sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 thì vẫn phải cách ly bình thường trong 14 ngày, có sự giám sát của bệnh viện hoặc y tế dự phòng của địa phương để kịp thời phát hiện những trường hợp bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu một số bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 để tìm ra nguyên nhân và có phương án ứng phó kịp thời.

PV: Một số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện như thế nào thưa ông?

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp: Nhìn chung, bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Bệnh viện đang có tiến triển tốt. Hiện chỉ còn 2 bệnh nhân đang phải thở máy và đang trong giai đoạn cai máy thở, đang được các bác sĩ tại khoa Cấp cứu tích cực điều trị, theo dõi.

Sau một thời gian điều trị, chúng tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm, các nghiên cứu trên thế giới cũng đã làm sáng tỏ một vài vấn đề. Do đó, việc điều trị các bệnh nhân trong thời điểm hiện tại đã tiến bộ hơn so với giai đoạn đầu.

PV: Cảm ơn ông!