Thực hiện đủ quy trình, nghiên cứu khoa học gây thiệt hại cho Nhà nước được miễn trách nhiệm dân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết nêu rõ miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

190220251051-z6331412787165_db9d2f707e3b9bde63fe37207ad83339.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, theo dự thảo Nghị quyết nêu tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.

Về khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện khoán chi, trừ kinh phí chi mua tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thuê dịch vụ thuê ngoài và đoàn đi công tác nước ngoài.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.

Trên cơ sở dự toán kinh phí tại thuyết minh nhiệm vụ do tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định kinh phí ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ xác định mức kinh phí khoán đối với các nội dung chi được khoán. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về việc thực hiện Nghị quyết này...

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.

Các đại biểu tham gia biểu quyết. Ảnh: Quốc hội.

Các đại biểu tham gia biểu quyết. Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội, các Ủy ban giám sát thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày thông qua.

Tạo cơ chế thông thoáng, thu hút đầu tư

Trước đó, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị quyết thí điểm tập trung vào một số ít chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu và miễn trách nhiệm dân sự nếu nghiên cứu không đạt kết quả dự kiến. Nghị quyết cũng phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách phù hợp, nhằm tăng chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ.

Về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học và công nghệ gặp nhiều vướng mắc do thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho các tổ chức nghiên cứu lớn, có rủi ro cao. Theo ông Hùng, Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi, không phải cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để cấp kinh phí tiếp tục.

Bộ trưởng cho hay Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp quỹ cho nghiên cứu và miễn trách nhiệm dân sự, không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến. Hy vọng với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tăng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ từ 1% lên 2%.

Về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Nghị quyết thí điểm cho phép cơ sở nghiên cứu sở hữu và tự quyết kết quả nghiên cứu, tài sản hình thành từ nghiên cứu, người làm nghiên cứu hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa.

Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ bằng cách tính chi phí hợp lệ, khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà mạng đầu tư 5G và chỉ định thầu đầu tư các tuyến cáp quang biển để tăng tính bền vững cho hạ tầng viễn thông.

Về công nghiệp bán dẫn, Nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư cho nhà máy sản xuất chip quy mô nhỏ.

Đồng thuận với dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết cần kịp thời tháo gỡ khó khăn khi chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với luật hiện hành. Các cơ quan, Bộ ngành cần quan tâm đến những vấn đề cấp bách trong Nghị quyết 57 để giải quyết kịp thời vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện ngay các chính sách đã rõ, đơn giản hóa thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng, thu hút đầu tư, phân cấp và ủy quyền cho các cơ quan triển khai.

.