Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tác động mạnh đến văn hóa gia đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là khẳng định của TS. Lê Doãn Hợp tại Diễn đàn Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, do Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc tổ chức.
TS, Lê Doãn Hợp trao giấy khen của Viện Phát triển VHDT cho các nghệ nhân, thanh đồng.
TS, Lê Doãn Hợp trao giấy khen của Viện Phát triển VHDT cho các nghệ nhân, thanh đồng.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Danh dự Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc - nhấn mạnh: Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt có tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung, đặc biệt là văn hóa gia đình. Trong gia đình, hình ảnh của người mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục các con và là nguồn năng lượng nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của những người con. Vì vậy, tôn vinh thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.

Đồng quan điểm với TS. Lê Doãn Hợp, ông Trần Văn Nam - Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc - nêu rõ: Diễn đàn Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - hiện đã và đang trở thành hoạt động khá phổ biến trong các dịp lễ, tết tại các phủ thờ Mẫu ở nhiều tỉnh, thành Bắc Bộ và lan đến Trung Bộ và Nam Bộ, thậm chí ở một số nước trên thế giới.

GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Bùi Quang Thanh điều hành Diễn đàn

GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Bùi Quang Thanh điều hành Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS. Bùi Quang Thanh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc - khẳng định: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ phủ của người Việt, mà đỉnh cao là sinh hoạt hát văn – hầu đồng, là di sản văn hóa phi vật thể bản địa có giá trị độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của người Việt nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung”.

Qua nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, GS. Thanh cũng chỉ rõ những biến tướng của thực hành tính ngưỡng thờ Mẫu: “Do những yếu tố chủ quan và khách quan tác động, quá trình thực hành di sản văn hóa độc đáo này đã và đang có xu hướng biến đổi một cách sâu rộng. Một mặt, nó mang lại những sinh hoạt văn hóa sinh động, chứa đựng nhiều giá trị, bảo vệ được bản sắc truyền thống của di sản, mặt khác, cũng mang lại không ít tác động tiêu cực, dễ có khả năng làm biến dạng di sản, đánh mất những giá trị nhân văn vốn được tạo xây từ quá khứ và được UNESCO tôn vinh”.

Với nhiều năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân ưu tú, thanh đồng Nguyễn Thị Loan - Phó Ban Văn hóa Du lịch và Đào tạo Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc - nêu một số giải giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cho toàn dân hiểu và biết đến loại hình di sản thông qua các loại hình thông tin đại chúng. Không loại trừ cả hình thức nghệ thuật, diễn xướng; hướng dẫn các đền, phủ, thực hiện đúng nội dung quy chế nhà đền, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bà Loan cũng cho rằng cần tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm quản lý văn hóa, nhất là đối với sở văn hóa, phòng văn hóa, các cấp cơ sở, giúp họ hiểu được cốt lõi của hầu đồng là gì. Khi họ hiểu được thanh đồng và những việc làm của thanh đồng, mới giúp họ tháo gỡ vướng mắc và hòa chung với nhịp sống cùng cộng đồng.

Thanh đồng Nguyễn Thị Loan cũng nêu lên những vấn đề bức xúc, cần chấn chỉnh hiện nay, như nhiều tổ chức liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được thành lập, khiến cho các thanh đồng hoang mang, không biết tổ chức nào đúng, tổ chức nào sai, làm cho cơ hội xấu có thể len vào, gây rối loạn nhận thức của thanh đồng, như tình trạng mua bằng vinh danh, gây lên niềm tin ảo trong giới thanh đồng. Việc tổ chức hầu đồng còn chồng chéo và tràn lan..

Nghệ nhân Đặng Thị Mát - Giám đốc Trung tâm Tín ngưỡng Ba Vì (Hà Nội) - cũng chung quan điểm với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Loan, khi cho rằng phát triển thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là việc làm cần thiết, nên được mở rộng trong cả nước, nhưng tuyệt đối tránh những biến tướng làm ảnh hưởng đến giá trị của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, làm hoen ố hình ảnh và thanh danh của Mẫu