Tồn tại hơn nữa thế kỷ, chợ Bà Rén (Quảng Nam) được xem là chợ heo lớn và độc đáo nhất cả nước bởi phiên chợ này chỉ bán một mặt hàng duy nhất là những chú heo con. Đặc biệt nơi đây còn nổi tiếng bởi nghề bồng heo “độc nhất vô nhị”.
6h sáng Chợ heo Bà Rén đã bắt đầu náo nhiệt. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Những ngày đầu năm, khi cái lạnh vẫn còn giăng phủ khắp thôn xóm, làng quê thì 6h sáng tại chợ heo Bà Rén xã Quế Sơn 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu náo nhiệt.
Ngôi chợ nằm sát Quốc lộ 1, thế nên chỉ cần vài bước chân là có thể gặp ngay hình ảnh những chú heo đủ màu đen, trắng, nâu từ 1-3 tháng tuổi. Các giống heo ở chợ rất đa dạng, từ heo chăn nuôi thuần chủng, heo lai giống Việt Nam cho đến heo lai giống của Nhật, Thái Lan….
Ở phiên chợ heo này, cảnh mua bán diễn ra rất nhanh chóng, các chú heo được thu mua và chở đi các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Hà Nội; rồi sang tận Lào, Campuchia…
Heo ở chợ đa dạng về chủng loại, từ heo chăn nuôi thuần chủng Việt Nam cho đến heo lai giống của Nhật, Thái Lan. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Ông Phạm Cư, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Rén cho biết: “Chợ Bà Rén là một trong những chợ heo lớn, độc đáo nhất nước. Độc đáo bởi chợ chỉ bán duy nhất một mặt hàng duy nhất là những chú heo con, thế nên nhiều người ghé đây thường gọi là chợ hàng độc”.
Phiên chợ bắt đầu từ 7h sáng đến tầm 10h thì nghỉ. Điều đặc biệt là để bảo đảm sức khỏe cho những chú heo, phiên chợ chỉ họp vào những ngày nắng đẹp, riêng ngày 30 và mùng 1 (âm lịch) thì không bán. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 hộ kinh doanh; mua bán hơn 2.000 heo con các loại.
Những “chú ỉn” ở đây được khách hàng ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng tốt, ổn định mà còn bởi khi bán heo, thương lái còn có chế độ bảo hành, cam kết sẽ “bù hàng” nếu heo có vấn đề gì sau khi mua.
Đây là phiên chợ đặc biệt uy tín, người bán kẻ mua thì đã quá quen mặt nhau nên hầu như không có chuyện gian thương. Những điều này đã gây dựng nên thương hiệu giúp chợ tồn tại, phát triển được đến ngày nay.
Chị Trần Thị Thảo với kinh nghiệm 30 năm làm nghề bồng heo. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Những người phụ nữ bồng heo
Nghề bồng heo xuất hiện do chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác; hoặc bồng heo lên để người mua có thể ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý chưa… dần dần hình thành nên công việc "độc nhất vô nhị" này. Người làm nghề bồng heo chủ yếu là phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, thương lái mua heo tại chợ Bà Rén đã 25 năm cho biết: “Thay vì cho heo vào rọ rồi đưa lên bàn cân, người mua thường thuê một người bồng, đứng lên bàn cân, sau đó trừ đi cân nặng của người sẽ ra khối lượng của lợn. Bởi khi cho heo vào rọ thì chúng thường giãy dụa khiến kim cân nhảy lung tung, khó cân lại dễ bị trầy xướt. Còn khi bồng, chúng sẽ tự động ngoan ngoãn, dễ cân hơn nhiều”.
Là 1 trong số hơn 10 phụ nữ làm nghề bồng heo tại chợ Bà Rén, Chị Trần Thị Thảo (60 tuổi) cho biết: Chị theo nghề bồng heo đã trên 30 năm nay. Con lớn được trả 1.000 đồng, con nhỏ 500 đồng. Một buổi sáng chị bồng khoảng 100 con, thu nhập từ 50.000 đến 100.000 đồng.
Chị Thảo tâm sự: Nghề bồng heo nhìn đơn giản nhưng rất nhọc nhằn. Bồng heo cũng phải biết cách, bồng phải vừa nhanh, vừa cẩn thận để heo không bị thương, không vùng vẫy. Làm nghề này ngoài việc có sức khỏe thì cần phải khéo léo bởi nếu không cẩn thận, chỉ cần sẩy tay một chút là những chú heo có thể lợi dụng cơ hội trốn thoát ngay lập tức, khiến người mua và người bán phải tốn công đi lùa heo về.
“Tuy vất vả nhưng công việc này cũng mang lại những niềm vui chân tình, ấm áp. Lúc mới vào nghề, do bồng heo chưa đúng cách nên heo vuột chạy mất nhưng tôi không bị thương lái bắt đền bù gì. Chắt chiu từ nghề bồng heo hơn 30 năm đã giúp tôi trang trải nuôi 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”, chị Thảo chia sẻ.
Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Khi mặt trời đã lên cao, phiên chợ cuối năm cũng kết thúc. Người mua, kẻ bán bán tất bật hoàn thành những chuyến hàng cuối cùng; những người phụ nữ bồng heo thì tranh thủ dọn dẹp lại chợ để về nghỉ Tết.
Hơn nữa thế kỷ trôi qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền, nỗ lực của người chăn nuôi và thương lái, chợ heo Bà Rén vẫn giữ vẹn nguyên nét đẹp đặc trưng, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi, một nghề truyền thống lâu đời của người Việt.
Ngày nay, chợ heo Bà Rén còn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và ghé thăm bởi nét văn hóa độc đáo hiếm có này.
Theo Báo Chính phủ
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Thu-vi-cho-heo-doc-nhat-Viet-Nam/358535.vgp