Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm 2023 còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời.
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Tại kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng bám sát tình hình để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn; các đơn vị phải đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt.
Cơ quan quản lý đẩy mạnh điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, sớm trình cấp thẩm quyền các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, bền vững.
NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…).
Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng Đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này./.