|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên trả lời chất vấn chiều 5/11. |
Báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắng chỉ ra một số vấn đề trong việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp.
"Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở các bệnh viện, ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân" - Thủ tướng thừa nhận.
Ông Chính phân tích, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá thuốc trên thị trường thế giới biến động mạnh, số lượng bệnh nhân tăng cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn; phân bổ cơ cấu thuốc đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, địa phương chưa hợp lý.
Để sớm khắc phục tình trạng trên, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan. Cùng với đó là việc đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch.
|
Toàn cảnh nghị trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. |
Cũng liên quan đến hoạt động của ngành y tế, hôm nay, trước chất vấn của ĐBQH về việc thực hiện tự chủ công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện. Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.
"Nguồn thu khó khăn, liên danh, liên kết cũng khó khăn… nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức là sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư như: mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới… thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo" - ông Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn./.