Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng, kêu gọi người dân hiến tạng cứu người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người với thông điệp “Cho đi là còn mãi” đã diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

VT_TTg thẻ dangky.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và tấm thẻ đăng ký hiến tạng

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một lễ phát động hiến mô tạng với sự tham gia của Thủ tướng, nhiều ban bộ ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo, thày thuốc, doanh nhân…

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay Lễ phát động là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp và thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng; thắp lên ngọn lửa nhân ái, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng. Hiện có 26 bệnh viện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các tạng trên người như thận, gan, tim, phổi, tụy, với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm.

VT_TTG PMC88.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động đăng ký hiến tạng

Hiện nay nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.

Sự kiện do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức và đại diện Quốc hội, nhiều bộ, ban, ngành và tổ chức tôn giáo; đại diện các tổ chức quốc tế và 59 bệnh viện ghép mô tạng trong cả nước, tham dự.

Đã có 9 bệnh viện, trong đó có cả bệnh viện tuyến tỉnh, chẩn đoán được chết não hiến mô tạng. Cùng với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện; tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022, trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

Việt Nam đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối ghép tạng. Tuy nhiên, nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến thì hàng chục nghìn người bệnh vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi và nhiều người có thể ra đi vì bệnh tật hiểm nghèo. Trong khi đó, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.

VT_ Dao Hong lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định Lễ phát động là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc

Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” ngày hôm nay (19/5) là bước khởi đầu của 1 hành trình tiến tới bảo đảm nguồn mô, tạng cứu người”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để hành trình này được lan tỏa trong tương lai, bền vững và hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến, mô tạng; các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế về hiến tạng, ghép tạng; xây dựng chính sách cho hoạt động tư vấn, hiến mô tạng, vận chuyển mô tạng và chi phí ghép tạng cho người bệnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng chỉ đạo Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia xây dựng quy trình, tổ chức vận hành, điều phối hiệu quả việc ghép tạng; triển khai tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế trong triển khai lấy, ghép mô, tạng.

VT_ chi Tien.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - phát biểu tại buổi lễ

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế sớm sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ cho nhiều người có cơ hội được cứu sống, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chính phủ cũng nên quy định nguồn tạng từ người hiến tặng là tài sản quốc gia như một số nước đã quy định. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Đề nghị Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề án “tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô tạng của Việt Nam” để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.

VT_ TTg.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đăng ký hiến tạng "Cho đi là còn mãi"

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định hiến tạng để cứu người là hành động nhân văn cao cả: “Cho đi là còn mãi”. Ghép tạng là thành tựu y học quan trọng, dù Việt Nam đi sau nhưng trình độ ghép tạng đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống cao hơn nhiều nước.

Ngành ghép tạng của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, là kết quả của 3 yếu tố: Chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước; sự nỗ lực của các thầy thuốc và toàn ngành y tế, các hội vận động hiến tạng; đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người và gia đình hiến tạng.

Trước việc còn nhiều người cần ghép tạng trong khi nguồn tạng thiếu, Thủ tướng cho rằng cần tổ chức phát động phong trào hiến tạng tầm quốc gia và cần có một ngày làm Ngày Hiến tạng của Việt Nam, để tăng nguồn tạng hiến.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thành công ghép tạng tăng dần qua từng năm và nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ quên những tấm lòng vàng, những nghĩa cử cao đẹp đã tình nguyện hiến mô, tạng của bản thân, của người thân mình để cứu sống người khác”.

Việt Nam đã có hàng nghìn người đăng ký hiến tạng. Đây là minh chứng sống cho nhận thức, tình thương, lòng nhân ái đã được lan toả.

VT_ All.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ban, ngành phát động đăng ký hiến tạng

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ lòng tri ân với những tấm lòng cao đẹp của những người, những gia đình đã và sẽ hiến tạng, khi đã vượt qua những nỗi đau thương, mất mát, những định kiến, để gieo mầm cho sự sống.

Thủ tướng chỉ đạo cần nhân rộng việc hiến tạng cứu người thành xu thế, phong trào trên cả nước.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng lãnh đạo Bộ Y tế, đặc biệt là các giáo sư, bác sĩ đã thành công trong ghép tạng, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ để thắp lên hy vọng cho nhiều người.

Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác y tế, đặc biệt là hiến ghép tạng. Do vậy, trong suốt bao nhiêu năm qua, đã có nhiều chính sách, quy định, Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này. “Cần có chính sách ưu tiên với cơ chế đặc thù trong lĩnh vực ghép tạng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương, nhất là Bộ Y tế và Trung tâm điều phối tạng Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường truyền thông về hiến tạng, rà soát cơ chế để có chính sách phù hợp trong lĩnh vực hiến và ghép tạng.

Tại buổi lễ, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng, với lòng nhân ái, để tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống cho nhiều người vì “cho đi là còn mãi”.