Nhìn lại 30 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biest, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.
Nguồn vốn ĐTNN đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Do đó, ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bên cạnh đó, ĐTNN cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong nước. Trong đó, 58,2% tổng vốn ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo ra trên 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Vốn ĐTNN hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hình thành nên một số ngành chủ lực của nền kinh tế như: viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ, thông tin; tạo nền tảng cho sự phát triển trong dài hạn. Ngoài ra, khu vực ĐTNN cũng đóng góp đáng kể vào một số ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam trong những năm qua như: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục ...
Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực ĐTNN tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994 – 2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011 – 2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, sô tiền thu về hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách cả nước. Tính đến nay, khu vực ĐTNN đã tạo gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5 triệu việc làm gián tiếp khác.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KHĐT cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình 30 năm thu hút vốn ĐTNN.
Cụ thể, Bộ trưởng đánh giá tính kết nối, lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN còn khiêm tốn. Khu vực ĐTNN vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tốt.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều diễn giả trong và ngoài nước cùng đại diện một số bộ, ngành địa phương có thành tích thu hút vốn ĐTNN trong thời gian qua.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của khu vực ĐTNN tại Việt Nam, đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế của các doanh nghiệp trong khu vực này và bày tỏ mong muốn việc thu hút vốn ĐTNN trong giai đoạn tới sẽ trên tinh thần hợp tác bình đẳng hơn.
“Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Thành công của các bạn tại Việt Nam cũng là thành công và niềm vui của Việt Nam" – Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện nhất quán và cam kết tiếp tục chủ trương, hợp tác thu hút ĐTNN, xây dựng môi trường đầu tư và hạ tầng thuận lợi./.