Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người dân phải xếp hàng vì bệnh viện tuyến trên lúc nào cũng quá tải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm vừa qua, mặc dù ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân, nhưng tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối vẫn chưa khắc phục được.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Minh Thuý)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Minh Thuý)

Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị Y tế toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (6/1).

Khống chế thành công đại dịch COVID-19

Trong năm qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Điển hình là việc khống thế đại dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch bùng phát, ngành Y tế đã kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, cứu chữa người bệnh, chi viện, ứng phó kịp thời, hiệu quả cho các địa phương để giảm thiểu tối đa sự lây lan của dịch bệnh và thiệt hại về người.

Nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, phân lập và nuôi cấy thành công chủng virus corona mới; tự sản xuất được bộ kit test chẩn đoán SARS-CoV-2 ngay tại Việt Nam với hiệu quả chẩn đoán chính xác rất cao, sản xuất được máy thở đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước.

Nhân viên y tế ở trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Nhân viên y tế ở trạm xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Hiện, ngành Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để khống chế đại dịch. “Ngày 21/1 tới, vaccine phòng COVID-19 thứ 2 sẽ được thử nghiệm trên người. Tiếp đó là vaccine thứ 3 sẽ được thử nghiệm vào tháng 3. Mặc dù quá trình thử nghiệm trên người mới bắt đầu, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức nhưng cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.” – Thủ tướng nói.

Cùng với công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chỉ trong 45 ngày, ngành Y tế đã hoàn thành kết nối với 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Đến hết năm 2020 đã kết nối được 1.500 điểm cầu.

Ngành Y tế hoàn thành kết nối với 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thuý)

Ngành Y tế hoàn thành kết nối với 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thuý)

Để vận hành nền y tế có hiệu quả thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một tiền đề quan trọng. Bộ Y tế là một trong 2 bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19; hoàn thiện hồ sơ quản lý sức khỏe cho 98 triệu người dân; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã; quyết tâm thực hiện công khai minh bạch với hơn 60.000 dược phẩm, 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, gần 100.000 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ trên Cổng Công khai y tế. Việc công khai này còn là “thanh bảo kiếm” chữa lành các vết thương như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Bên cạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được nhiều thành tích qua ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh; lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103, ghép tạng thành công tại Bệnh viện 108; Bệnh viện Việt Đức tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ghép tạng khi thực hiện liên tiếp 23 ca chỉ trong 10 ngày.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ghép đa mô, tạng cứu sống 6 bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ghép đa mô, tạng cứu sống 6 bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Về chất lượng dân số, mức tăng chiều cao của người Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 đã tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi giảm xuống 19,6% và duy trì bền vững mức sinh thay thế; tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể.

Chưa khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối.

Thực tế, hàng ngày bệnh nhân và người nhà phải xếp hàng từ sớm để đợi khám chữa bệnh, nộp tiền viện phí, làm các thủ tục hành chính,… ở bệnh viện tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí trong khi cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều bệnh viện yêu cầu người bệnh phải tạm ứng viện phí.

Thủ tướng cho biết: Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, BHYT. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu 95% vào năm 2025.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, BHYT (Ảnh: Minh Thuý)

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, BHYT (Ảnh: Minh Thuý)

Từ đó, nghiên cứu đề xuất tăng mức đóng BHYT phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh, cân đối quỹ BHYT.

Thủ tướng đã đồng ý với Bộ Y tế về việc giao Quỹ BHYT theo một hình thức mới phù hợp hơn và yêu cầu Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế giải quyết dứt điểm tình trạng treo, nợ quỹ.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Y tế phải nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”, để tạo ra chuyển biến cơ bản, toàn diện; tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh xâm nhập để người dân đón Tết lành mạnh, an toàn.

Do dịch COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhập khẩu vaccine đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh: BYT)

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh: BYT)

Hiện, ngành Y tế đã hoàn thiện 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, tạo được tiền đề để hiện thực hóa chủ trương mọi người dân đều được bác sĩ quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện bất cứ khi nào cần hoặc có nhu cầu. Vì vậy, ngành Y tế phải tiếp tục đổi mới đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã, đặc biệt phải hoàn thành cho được gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng y tế, dự phòng.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành Y tế phải không ngừng cải thiện chất lượng, lấy chất lượng và sự an toàn, sức khỏe của người bệnh, xác định người dân là mục tiêu quan trọng nhất để đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa; công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh.

Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện người bệnh giảm phiền hà, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thuý)

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thuý)

Bắt đầu từ ngày 1/1, BHYT đã được thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Đây là thách thức không nhỏ của cả ngành và cả các chính quyền địa phương, khi người dân được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh theo nhu cầu và theo nguyện vọng; do đó ngành Y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Ngoài việc nâng cao công tác khám, chữa bệnh, ngành Y tế phải gắn tự chủ, xã hội hoá với việc công khai, minh bạch trong giải trình. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết về thí điểm tự chủ cho 4 bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy và phê duyệt các đề án tự chủ cụ thể cho bệnh viện Bạch Mai, K.

Vì thế, Bộ Y tế và các bệnh viện cần khẩn trương thực hiện, sơ kết thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, theo phương châm tự chủ không phải là tự tung, tự tác, tự trị để tăng thu, làm giàu trên sự đau khổ của người bệnh mà, tự chủ là tạo điều kiện thuận lợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết để các bệnh viện phát triển cả về chuyên môn và chất lượng phục vụ.

Vừa qua, khi tiến hành tự chủ, có bệnh viện thực hiện tốt, nhưng có bệnh viện còn có nhiều bất cập trong quản lý điều hành; tâm tư của cán bộ còn có điểm chưa thống nhất; có bệnh viện còn có hiện tượng chảy máu chất xám. Những vấn đề này cần tiếp tục được quản lý tốt hơn, minh bạch hơn.