Thủ tướng: Không được bán chỉ định đất đai mà phải đấu giá công khai

Cho rằng, tham nhũng, tiêu cực trong đất đai còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được bán chỉ định tài sản đất đai mà phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Q.H)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Q.H)

Thất thoát đất đai là rất lớn

Sáng 20/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đầu tư công để chống thất thoát, lãng phí.

“Tại sao tư nhân làm nhanh, chất lượng cao đến như vậy? Chúng ta tăng cường quản lý đầu tư công, bảo đảm chặt chẽ, nhưng phải chống phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước còn lớn. Thủ tục hành chính còn phiền hà, nhiều đầu mối khiến cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức, bôi trơn còn nặng nề ở nhiều nơi. “Phải chống cái này cho bằng được để giảm chi phí xuống, đừng để tình trạng “có 300 lượng việc này mới xong””, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu từ nay trở đi đất đai phải được đấu giá công khai, có hình thức phù hợp. “Đất mà tự giao cho nhà đầu tư thì dễ gây thất thoát lớn lắm. Do đó, không được bán chỉ định đất đai mà phải đấu giá công khai để thu lời cho Nhà nước. Cái này gây thất thoát rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ 3% chung cư cũ được cải tạo

Đề cập đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết việc triển khai rất chậm chạp. Theo đó ở hai thành phố lớn nhất cả nước tỷ lệ chung cư cũ được cải tạo chỉ chiếm 3% tổng số nhà chung cư cũ, xuống cấp, đang đe dọa tới an toàn và tính mạng của người dân.

Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, nhà nước phải có vai trò chủ đạo  trong việc kiểm tra, công trình, điều tra xã hội học, lập quy hoạch cải tạo xây dựng toàn khu (hiện đang thực hiện chủ yếu theo hướng xã hội hóa giao chủ đầu tư thực hiện rất khó hài hòa giữa 3 lợi ích nhà nước – người dân và chủ đầu tư). Đồng thời nhà nước phải có cơ chế dành quỹ đất, kinh phí triển khai đồng bộ dự án,  mặt khác có cơ chế kêu gọi và đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ thêm rằng, việc thực hiện chủ trương cải tạo xây dựng lại chung cư cũ không chỉ dựa trên cơ sở pháp lý về luật pháp, nghị định mà cần được triển khai bằng các Đề án cải tạo cụ thể. “Nếu mỗi tỉnh, thành phố chủ động xây dựng Đề án thì kết quả cải tạo chung cư cũng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 3% như hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Về phía cơ quan quản lý, cần xem lại tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, đơn giá giá trị của công trình, đang gây nhiều bất cập cho đầu tư xây dựng. Phó Thủ tướng nêu ví dụ: “Hiện nay đơn giá thiết kế ra giá trị gia tăng cho công trình rất lớn nhưng nhà nước lại trả tiền rất ít. Do vậy mới có chuyện các bên “vẽ” ra nhiều hạng mục để hưởng lợi ích nhiều mà không quan tâm tới ý tưởng”.

Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan phải hướng tới những vấn đề lâu dài, lấp các khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề như Codotel, thiết kế- xây dựng- vận hành không gian ngầm, thích ứng với hiệu quả trong quản lý mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Theo Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-tuong-khong-duoc-ban-chi-dinh-dat-dai-ma-phai-dau-gia-cong-khai-1264242.tpo