|
Tên lửa hành trình Taurus KEPD-350 do Đức sản xuất được trưng bày ở Brandenburg, Schönefeld, ngày 3/6 (Ảnh: Getty) |
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức sẽ không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, ngay cả khi các quốc gia khác chọn làm như vậy.
Washington và London trước đó gợi ý rằng họ có thể cho phép Kiev sử dụng các tên lửa như ATACMS do Mỹ sản xuất và Storm Shadow do Anh sản xuất để tấn công các mục tiêu như vậy.
Chính quyền Berlin vẫn duy trì chính sách không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Đức cung cấp cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga, Thủ tướng Scholz cho biết tại một phiên hỏi đáp ở Prenzlau, Brandenburg ngày 14/9.
“Tôi vẫn giữ vững lập trường của mình, ngay cả khi các quốc gia khác có quyết định khác”, ông Scholz nói. “Tôi sẽ không làm điều đó vì tôi nghĩ đó là một vấn đề”.
Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ. Theo dữ liệu từ trang web của Chính phủ Liên bang, Berlin đã cung cấp hoặc cam kết viện trợ vũ khí sát thương hơn 28 tỉ euro (31 tỉ USD) cho Kiev kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, Berlin cho đến nay vẫn từ chối làm theo Anh và Pháp trong việc trang bị tên lửa tầm xa cho Ukraine. Vào tháng 5, ông Scholz giải thích rằng việc cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus có tầm bắn 500 km (310 dặm) sẽ đồng nghĩa với việc Berlin tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
“Việc cung cấp [những vũ khí này] chỉ có thể thực hiện được nếu chúng tôi tự mình xác định các mục tiêu, và điều đó một lần nữa là không thể nếu bạn không muốn trở thành một phần của cuộc xung đột này”, ông nhấn mạnh.
Hôm thứ Năm trong tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các cường quốc phương Tây không nên leo thang căng thẳng hơn nữa. “Chúng tôi không nói về việc cho phép hay cấm chế độ Kiev tấn công lãnh thổ Nga”, ông Putin giải thích và lưu ý rằng Ukraine đã làm điều này.
Tên lửa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp đã được Ukraine sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Crimea và Donbass, dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường.
Ông Putin giải thích rằng Kiev thiếu khả năng sử dụng độc lập các hệ thống tầm xa của phương Tây.
Việc nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công như vậy phải phụ thuộc vào thông tin tình báo từ các vệ tinh của NATO, trong khi các giải pháp bắn “chỉ có thể được thực hiện bởi quân nhân NATO”.
“Điều này có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang chiến đấu chống lại Nga”, ông Putin cảnh báo, thêm rằng sự tham gia trực tiếp như vậy sẽ thay đổi “bản chất của cuộc xung đột”, nghĩa là Nga sẽ phải “đưa ra quyết định phù hợp về các mối đe dọa”.
Vào tháng 6, Putin cam kết Moscow sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được sử dụng trong các cuộc tấn công tầm xa và trả đũa những kẻ chịu trách nhiệm. Một phản ứng có thể xảy ra là gửi vũ khí công nghệ cao tương tự cho các lực lượng đang xung đột với phương Tây.