Thủ tướng: Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích

Thủ tướng nêu rõ trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số.

Tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu chiến lược

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế.

Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 ngày 24/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, bộ ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ thế giới, lãnh đạo Chính phủ cho rằng các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011; Singapore tăng 8,5%/năm giai đoạn 1961-1997.

Trong khi đó, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức 7% mỗi năm, rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới, theo Thủ tướng cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

"Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao. Do đó, trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số", Thủ tướng nói và cho biết đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% cho cả nước, tất cả các bộ, ngành, địa phương và các lĩnh vực phải đồng loạt tăng trưởng trên 8%. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với kinh tế tập thể và tư nhân, đều cần đạt mức tăng trưởng này. Việc chỉ có một số địa phương, bộ ngành, hay doanh nghiệp tăng trưởng cao sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước, điều này rất khó.

"Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm. Phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.

Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa. Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn", Thủ tướng nói.

TP.HCM, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng 2 con số

Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để đạt tăng trưởng 8% năm 2025, quy mô nền kinh tế Hà Nội phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng. TP đặt mục tiêu thu ngân sách 360.000 tỷ đồng, thu hút 3 tỷ USD vốn FDI, thành lập 30.000 doanh nghiệp mới và đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD.

Hà Nội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: giải ngân 87.000 tỷ đồng đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, và tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%. Thành phố cũng sẽ triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%, ngành du lịch tăng doanh thu 13%.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số. Mục tiêu là có hơn 50% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và đạt tỉ trọng kinh tế số trên 20 tỷ USD vào năm 2025. Thành phố cũng nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết thành phố phấn đấu đạt tăng trưởng 10% trong năm 2025, vượt mục tiêu 8% của Chính phủ. Để thực hiện, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào ba giải pháp trước mắt: ổn định bộ máy, cải cách hành chính, tháo gỡ các vướng mắc dự án, và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Theo ông Được, về lâu dài, TP.HCM sẽ triển khai các dự án chiến lược, phát triển trung tâm tài chính quốc tế, và tiếp tục đẩy nhanh các nhiệm vụ theo Nghị quyết 57. Thành phố cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng.