Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

VietTimes -- Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 19/7/2017, tại quyết định số 1058/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đề án này bao gồm 03 phần…
Xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015 đã đạt nhiều kết quả quan trọng song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế - ( Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

            Tại "Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu" tổ chức sáng 21/7, đại diện NHNN cho biết, mặc dù quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chính vì vậy, “trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu”, NHNN đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Đề án này đã được NHNN báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị; đồng thời, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV.

Theo đại diện NHNN, ngày 19/7/2017, tại quyết định số 1058/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án này. Theo đó, Đề án bao gồm 03 phần: Phần thứ nhất: Mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Phần thứ hai: Các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Phần thứ ba: Lộ trình thực hiện.

Để triển khai Đề án này, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với ba nội dung tối thiểu như sau:

-          Thứ nhất, đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD;

-          Thứ hai, xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020;

-          Thứ ba, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Đại diện NHNN nhấn mạnh, việc triển khai thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự phối hợp của cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn.

Thông qua Hội nghị trực tuyến ngày 21/7 này, NHNNN kỳ vọng sẽ nhận được sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương trong quá trình triển khai, không chỉ đối với Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 nói riêng mà cả hoạt động ngân hàng nói chung.