Theo đó, xét đề nghị của Hà Nội (ngày 30/6/2017); ý kiến của Bộ Xậy dựng (ngày 24/11/ 2017) về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân theo Quyết định số 1259 ngày 26/7/ 2011 của Thủ tướng.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại khu vực các xã: Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lấm quốc gia và khu vực phụ trợ như ý kiến của Bộ Xây dựng và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha; đất dân dụng khoảng 26.000 ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300 ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha; đất dân dụng khoảng 34.900 ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60 - 65 m2/người, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90 - 95 m2/người, khu mở rộng phía Bắc sông Hồng khoảng 75 – 90 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300 ha. Gồm các khu vực sau:
Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế … gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,7 triệu người.
Khu đô thị Đông Anh: Phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,55 triệu người.
Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,45 triệu người.
Trước đó, Thủ tướng đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) làm chủ đầu tư 2 dự án lớn: Dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn hóa trên diện tích 6,8 ha tại 148 đường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 800 triệu USD. Và dự án Khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì với diện tích 125 ha, nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, thuộc xã Mễ Trì, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm với tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD.