Ngày 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025.
Cuộc họp đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng; dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng. Ngoài ra, cuộc họp cũng cho ý kiến về cơ chế tài chính đối với đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh với dự án Luật Phòng, chống ma túy, cần xác định phòng ngừa là chiến lược lâu dài, quyết định, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, phải ngăn chặn từ sớm, từ xa, chú trọng phòng chống ma túy học đường, tạo môi trường trong sạch cho học sinh, sinh viên, lớp trẻ.
Đối với Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng cho rằng lĩnh vực này đang phát triển nhanh, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu quản lý, đỏi hỏi tư duy mới.
Thủ tướng cho rằng cần quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi số; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay, vừa khuyến khích, kiến tạo phát triển, thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số, vừa thiết kế công cụ để quản lý, kiểm tra, giám sát, trong đó có quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý thuế, hạn chế được những mặt trái của thương mại điện tử, phòng chống buôn lậu, lừa đảo, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
Với hồ sơ các dự án luật nói chung, Thủ tướng yêu cầu cần bảo đảm "6 rõ": Làm rõ những nội dung lược bỏ, những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, những nội dung bổ sung, những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, những nội dung phân cấp, phân quyền, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, giảm phiền hà, thời gian và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Luật cần quy định theo hướng khung, mang tính nguyên tắc, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề cụ thể, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự biến động, phát triển nhanh chóng của xã hội.
"Tinh thần là cái gì đã chín đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì luật hoá, áp dụng vào thực tiễn. Những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nói.