|
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu bên ngoài Số 10 Phố Downing (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Johnson, 55 tuổi, đã trở lại Phố Downing sau gần 1 tháng kể từ khi xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Tình trạng bệnh của ông có thời điểm diễn biến nguy kịch, và được xem là cú sốc đối với nước Anh ngay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang ở giai đoạn đỉnh điểm.
Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh và trở lại làm việc, ông Johnson lại phải đối mặt với thách thức lớn. Chính phủ, đảng Bảo thủ và các cố vấn khoa học của ông đang chia rẽ sâu sắc về cách thức và thời điểm mà nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới mở cửa trở lại.
Phát biểu bên ngoài Số 10 Phố Downing, Thủ tướng Johnson đã so sánh bệnh dịch COVID-19 như một tên tội phạm đường phố đã bị người dân Anh quật ngã xuống đường. Nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều rủi ro, ông nói ông hiểu mối quan ngại của giới doanh nghiệp và sẽ tham vấn với các đảng đối lập về việc mở cửa trở lại nền knih tế - dù nêu rõ rằng sẽ không có việc nhanh chóng gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
“Chúng tôi không thể nói ngay là nhanh hay chậm hoặc những sự thay đổi đó có được thực hiện hay không. Nhưng rõ ràng là chính phủ sẽ bàn về vấn đề này rất nhiều trong những ngày tới” – ông Johnson nói – “Nếu chúng ta có thể thể hiện tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm như trong 6 tuần qua, tôi không nghi ngờ gì việc chúng ta sẽ đánh bại nó”.
Thủ tướng Anh cũng nói về quan ngại rằng việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm hoặc quá gấp có thể gây rủi ro bùng phát đợt dịch thứ hai.
“Chúng ta cần phải nhận thức về rủi ro đợt bùng phát thứ hai, rủi ro để mất kiểm soát trước virus…bởi điều đó không chỉ có nghĩa là sẽ thêm một đợt tăng ca nhiễm và ca tử vong mới, mà là thêm cả một thảm họa kinh tế” – ông Johnson nói – “Tôi đề nghị các bạn hãy kiên nhẫn bởi tôi tin rằng chúng ta sắp đi tới giai đoạn cuối cùng của cuộc xung đột này, và bất chấp mọi nỗi thống khổ chúng ta đã rất gần với thành công”.
Anh hiện là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với hơn 20.732 ca tử vong được ghi nhận trong các bệnh viện – chưa tính số ca bên ngoài bệnh viện, như trong các viện dưỡng lão. Lệnh phong tỏa ở nước này cũng khiến cho nền kinh tế đối mặt với cuộc suy thoái lớn nhất trong vòng 3 thế kỷ qua.
Kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào ngày 23/3, chính phủ của Thủ tướng Johnson đã đối mặt với làn sóng chỉ trích đến từ các đảng đối lập, giới bác sĩ vì khả năng xét nghiệm cho người dân còn hạn chế và thiết trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Chủ tịch Công đảng đối lập Keir Starmer đã kêu gọi Thủ tướng Johnson công bố chính xác thời gian và cách thức gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội. “Hành động như thể cuộc tranh luận này không hề diễn ra là điều gây mất uy tín” – ông Starmer viết trong một bức thư gửi Thủ tướng Johnson.
Ông Starmer nói rằng chính phủ đã quá chậm trễ trong việc áp đặt lệnh phong tỏa, mở rộng chương trình xét nghiệm và cung cấp đồ bảo hộ cá nhân cho các bệnh viện và đội ngũ nhân viên tại các viện dưỡng lão.
Theo tờ Daily Telegraph, Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ công bố về kế hoạch nới dần lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội trong tuần này.
Theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ Anh, số ca tử vong do COVID-19 ghi nhận tại các bệnh trên toàn quốc đã tăng 413 chỉ trong vòng 24 giờ, mức tăng hàng ngày thấp nhất trong tháng 4. Tổng cộng có 29.058 cuộc xét nghiệm đã được thực hiện, tính đến ngày 25/4. Dựa trên con số hiện tại, Anh là nước có số ca tử vong đứng thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Giới chuyên gia dự đoán con số ca tử vong thực tế ở Anh còn cao hơn nhiều so với báo cáo, do chưa tính toán những ca bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, ông Stephen Powis – Giám đốc y tế thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh – nói rằng xu hướng giảm số ca nhiễm virus corona trong bệnh viện cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đã giúp ngăn chặn đà lây lan.