|
Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Trung tướng Alexander Fomin (Ảnh: TASS). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 28/12, tướng Fomin đã chỉ trích các hoạt động quân sự của NATO trong những năm gần đây đã gia tăng đáng kể. Chỉ riêng năm ngoái, số lượng máy bay quân sự của NATO bay sát biên giới Nga đã tăng từ 436 lượt chiếc lên 710 chiếc, và mỗi năm có 30 cuộc tập trận quy mô lớn chống lại Nga được tiến hành. Ông nhắc lại các yêu cầu đảm bảo an ninh của Moscow và việc NATO ngừng mở rộng về phía đông, đồng thời cảnh báo Ukraine không được gia nhập NATO. Ông chỉ ra rằng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng đàm phán trực diện bất cứ lúc nào, nhưng phía NATO lần nào cũng từ chối đề nghị của Nga và chọn con đường đối đầu.
Theo bản tin của kênh truyền hình Russia Today (RT), ngày 27/12 theo giờ địa phương, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã nói như trên tại một cuộc họp báo được tổ chức ở Moscow dành cho các tùy viên quân sự và các các nhà ngoại giao nước ngoài.
|
Thứ trưởng Quốc phòng Nga tố cáo NATO tăng cường khiêu khích (Ảnh:Getty) |
Ông Fomin tuyên bố: “Sự phát triển quân sự của NATO đã được định vị lại hoàn toàn để chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn và cường độ cao với Nga”. Ông chỉ ra rằng việc chuẩn bị đi kèm với việc mở rộng khả năng quân sự của NATO, cũng được phản ánh trong văn bản kế hoạch của NATO, trong đó đã liệt kê rõ Nga là "nguồn gốc chính của các mối đe dọa đối với an ninh của liên minh". Ông nói thêm rằng đồng thời, các tài liệu cũ, bao gồm Tuyên bố Rome 2002, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, các tài liệu này quy định rằng Nga và NATO không coi nhau là kẻ thù.
Mối quan hệ liên tục lạnh nhạt giữa Nga và liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã trở nên tồi tệ hơn trong mấy tháng gần đây. Vào tháng 10 năm nay, Nga cho biết họ sẽ tạm đình chỉ tất cả các liên hệ trực tiếp với NATO và đóng cửa văn phòng ở Moscow của NATO để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở liên minh này ở Brussels. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố rằng NATO sử dụng các kênh song phương để “kích động tuyên truyền và gây áp lực với Nga” hơn là tiến hành các cuộc đối thoại có ý nghĩa.
|
Xe tăng NATO diễn tập bắn đêm tại Latvia, tháng 10/2021 (Ảnh: Reuters) |
Đầu tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị đạt được một thỏa thuận an ninh toàn diện và có tính ràng buộc pháp lý giữa Nga với các nước phương Tây. Đề xuất này đã được cụ thể hóa thành hai dự thảo văn kiện, một cho Mỹ và một cho toàn khối NATO. Văn bản các thỏa thuận được Nga đề xuất yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông và cam kết không triển khai một số hệ thống vũ khí nhất định ở châu Âu.
Thứ trưởng Fomin chỉ ra rằng dự thảo thỏa thuận được soạn thảo để phục vụ đồng thời cả Nga và NATO. Ông hy vọng rằng NATO sẽ sẵn sàng tiến hành sớm các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về đề xuất an ninh của Nga. Ông nói với các nhà ngoại giao nước ngoài: "Chúng tôi cho rằng việc đạt được thỏa thuận này phù hợp lợi ích của Nga và cả châu Âu. Chúng tôi chờ đợi có một cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng. Chúng tôi đang đợi NATO phản hồi thực chất về đề xuất của chúng tôi và chuẩn bị bắt đầu đàm phán bất cứ lúc nào họ thấy thuận tiện.”
Russia Today (RT) cũng dẫn lời chỉ huy Quân khu phía Tây của Nga cho biết, quân đội Nga cùng ngày thứ Hai (27/12) đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn ở biên giới phía Tây giáp với Ukraine. Khoảng 1.000 binh sĩ đã luyện tập đẩy lùi các cuộc không kích của đối phương, một số người trở về căn cứ của họ sau khi hoàn thành bài tập. Chủ tịch Nghị viện Liên bang Nga Valentina Matviyenko cùng ngày đã tổ chức họp báo, tuyên bố biên giới Nga đã được bảo vệ hiệu quả và nước Nga có quyền điều động quân đội và tập trận trong lãnh thổ của mình để ứng phó với các thách thức.
|
Quân đội Nga tập trận ở gần biên giới Ukraine (Ảnh: Dwnews). |
Trong diễn biến liên quan đến đề nghị của Nga, Nhà Trắng cùng ngày thứ Hai (27/12) thông báo Mỹ và Nga vào ngày 10/1/2022 sẽ tiến hành đàm phán về các điều kiện đảm bảo an ninh mà phía Nga đề xuất trước đó. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng các cuộc tham vấn không thể tiến hành kéo dài.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Mỹ là đối tượng đàm phán chính của Nga và các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức ngay sau kỳ nghỉ Tết năm mới của Nga; thành phần tham dự bao gồm các nhà ngoại giao và các chỉ huy quân sự. Ông nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không gửi bất kỳ thông điệp nào cho Mỹ, cũng như sẽ không chấp nhận đàm phán kéo dài bất tận về yêu cầu của Nga nhằm ngăn chặn việc NATO mở rộng và rút quân.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trước đó đã tuyên bố qua điện thoại với các quan chức Nga rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải dựa trên cơ sở cùng có lợi và Mỹ cần phối hợp với các đồng minh châu Âu để đáp trả các hành động của Nga. Ông Sullivan nhắc lại rằng tiến bộ thực chất chỉ có thể đạt được khi tình hình được làm dịu. Ông Sullivan đã nói chuyện điện thoại với ông Pawel Soloch, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan hôm thứ Hai, thảo luận về việc quân đội Nga tập kết ở biên giới Ukraine, xác nhận rằng hai bên sẽ nỗ lực theo hướng ngoại giao và răn đe; Mỹ sẽ hỗ trợ liên minh Đông Âu trong việc bảo vệ đất nước.
Ngoài ra, đối phó với việc Nga tập trung quân ở biên giới Ukraine, Mỹ đã tăng cường trinh sát trên không. Trong một động thái hiếm thấy, hôm thứ Hai (27/12), 2 máy bay trinh sát Mỹ chia thành hai hướng đã bay qua miền đông Ukraine để thực hiện nhiệm vụ trinh sát cách khu vực do các tay súng thân Nga kiểm soát chỉ 60 km. Trong đó, một máy bay trinh sát chuyên theo dõi các mục tiêu mặt đất đã lần đầu tiên xuất hiện trên không phận Ukraine.
|
Máy bay trinh sát E-8C của Mỹ ngày 27/12 lần đầu tiên hoạt động trên vùng trời Ukraine (Ảnh: Đông Phương). |
Dữ liệu bay cho thấy một máy bay trinh sát E-8C và một máy bay trinh sát RC-135V của Không quân Mỹ đã lần lượt cất cánh từ Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và Căn cứ Hải quân ở Vịnh Souda, Hy Lạp bay tới Ukraine từ phía tây và nam. Chúng bay đến vùng lân cận của tuyến giao tranh ở Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine. Đây là lần đầu tiên E-8C xuất hiện trên vùng trời Ukraine, trước đó nó chỉ bay trên không phận Biển Đen.
Việc quân đội Mỹ triển khai hai máy bay trinh sát này có thể nói là một sự kết hợp có tính trực diện. E-8C mang radar có khả năng phát hiện xe tăng và các mục tiêu di động khác, thiết bị cảm ứng của RC-135V có thể thu được các cuộc liên lạc dưới đất. Sự kết hợp giữa chúng có thể đạt hiệu quả giao thoa hiển thị: E-8C phát hiện các xe tăng và mục tiêu khác, RC-135V ghi lại liên lạc giữa chúng để Mỹ nắm được các tình hình cụ thể của quân đội Nga.