Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố rằng, mục tiêu của NATO là lấp đầy khoảng trống bỏ lại sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết (USSR), chỉ trích kịch liệt khối đồng minh quân sự này trong lúc Nga đang muốn có được sự bảo đảm an ninh rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng tới sát biên giới của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng “NATO hiện giờ là một dự án địa-chính trị thuần túy nhằm phát triển vùng lãnh thổ bị bỏ lại sau khi Hiệp định Warsaw biến mất và sau sự sụp đổ của Liên Xô. Đó chính là điều mà họ đang làm.”
“Nhưng thực tế là họ đang tự do hành động, như Tổng thống Putin từng nói, ngay trước cửa nhà của chúng ta, và đương nhiên chúng ta không thể để yên được” – ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng phương Tây đang muốn kích động một cuộc xung đột ở Ukraine và đổ lỗi cho Moscow vì mọi hành vi khiêu khích tiếp theo. “Tôi không loại trừ khả năng rằng, họ có động cơ như vậy, để kích động một cuộc chiến quy mô nhỏ, đổ lỗi cho chúng ta, sau đó áp đặt thêm lệnh trừng phạt để làm giảm khả năng cạnh tranh của chúng ta”, ông nói.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bác "tối hậu thư" của Tổng thống Putin?
Theo ông Lavrov, Washington và các nước thành viên NATO “đang bơm vũ khí vào (Ukraine), rêu rao rằng kể từ năm 2014 họ đã cung cấp vũ khí, đạn dược và các hệ thống tấn công trị giá 2,5 tỉ USD cho Ukraine.”
Ông nói rằng Nga sẽ kiên quyết giữ vững thỏa thuận Minsk, nhưng thêm rằng nếu một bên khác phá vỡ thỏa thuận này, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp.
Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn được ký vào năm 2014 nhằm chấm dứt chiến sự ở Donbass. Cuộc xung đột bùng phát sau sự kiện Maidan – khi các cuộc biểu tình đường phố cuối cùng lật đổ chính phủ được dân bầu ở Kiev. Điều này dẫn tới việc 2 nước Cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk tuyên bố độc lập. Moscow, Ukraine, và mọi thành viên nào của LHQ đều không công nhận chủ quyền của họ.
Bình luận của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và khối đồng minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trong những tuần gần đây.
Hôm Chủ nhật tuần trước, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc NATO bành trướng tới sát biên giới Nga là một vấn đề “sống hoặc chết”, trong lúc giới chức nước này đang muốn có được sự đảm bảo rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông.
Moscow đã đưa ra 2 văn bản dự thảo khác nhau để gửi tới Mỹ và NATO, yêu cầu không cho Ukraine gia nhập NATO, kêu gọi các thành viên hiện tại của NATO ngừng hết những hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và cả ở Đông Âu, Nam Caucasus và Trung Á.
Tổng thống Vladimir Putin trước đó khẳng định rằng, vị Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã được giới lãnh đạo phương Tây đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng tới khoảng trống được để lại sau sự sụp đổ của USSR. Một loạt các tài liệu liên quan đã được giải mật và công khai vào năm 2017, và được xem là bằng chứng cho thấy giới chức Mỹ, Anh, Đức cam kết với Điện Kremlin trong những năm 1990 rằng NATO sẽ không mở rộng tới các nước Đông Âu. NATO sau đó vẫn kết nạp thêm các thành viên mới như Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia.
Hiệp ước Warsaw là một hiệp ước phòng thủ chung được ký kết bởi Liên Xô và một số các nhà nước vệ tinh ở Trung Âu và Đông Âu. Hiệp ước đã ngừng tồn tại vào năm 1991, trước khi USSR sụp đổ vào cùng năm.