Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp, khó lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay, 19/2, Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các Sở Y tế trên toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng - chủ trì hội nghị phòng chống dịch COVID-19
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng - chủ trì hội nghị phòng chống dịch COVID-19

Phải chủ động cơ sở cách ly tập trung đông người

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Chính trị yêu cầu trong quý I phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương phải chuẩn bị mọi tình huống, mọi phương châm phòng, chống dịch, không được chủ quan lơ là và chuẩn bị. Tết vừa qua khá an toàn, tuy nhiên, có một số địa phương vẫn phải căng mình đối phó với dịch bệnh.

“Bộ Y tế nhận định đợt dịch này phức tạp hơn với chủng virus mới, lây nhiễm nhanh, ổ dịch xảy ra trong KCN; xảy ra trước và trong Tết nguyên đán. Con số mắc của Hải Dương đã phát hiện tới 575 ca, cao hơn nhiều so với Đà Nẵng trước đây. Số mắc hàng ngày ở Hải Dương cũng cao hơn, chứng tỏ chủng lây lan nhanh mạnh hơn rất nhiều. Do triển khai khá đồng bộ, nên 12/13 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch, riêng Hải Dương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ Y tế vẫn liên tục hỗ trợ và có một Tổ công tác vẫn nằm tại Hải Dương” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long – Uỷ viên Trung ương Đảng.

Bộ trưởng lưu ý thời gian tới, các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản cho các tình huống dịch. Đầu tiên là phương án cách ly trong trường hợp ít F1 và nhiều F1; phương án giãn cách. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là phải cách ly triệt để các F1. Đà Nẵng là ví dụ làm tốt và Hải Dương cũng phải tương tự thế mới ngăn chặn được dịch. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra lại địa phương có cơ sở nào để thực hiện được cách ly và kịch bản cách ly ở khu vực đó, từ giám sát điều hành đến cung cấp nhu yếu phẩm và theo dõi sức khoẻ.

Bộ trưởng cho hay: Có nơi lấy trường học làm cơ sở cách ly nhưng lại không có đủ bộ máy thực hiện cách ly tại đó. Do đó các địa phương cần lên phương án có nhiều F1 cùng phải cách ly cùng một lúc. Trong cách ly phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để thực hiện nghiêm, có một số cơ sở cách ly vẫn xảy ra hiện tượng chưa nghiêm nên lây chéo có thể xảy ra. Ở Hải Dương, quân đội sẽ tham gia vào tất cả các cơ sở cách ly để đảm bảo thực hiện nghiêm.

Vấn đề xét nghiệm được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm với việc yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị các phương án, nâng công suất xét nghiệm trong thời gian ngắn mới giảm tải được. Bởi xét nghiệm chậm là đuổi theo dịch, chứ không phải chống dịch, mà càng đuổi theo thì càng khó.

Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp

Ông Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban điều trị BCĐ Quốc gia phòng, chống COVID-19, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hải Dương vẫn đi đầu về số mắc với 575 ca. Hơn 20 ngày qua vẫn có số mắc cao và số ca mắc của Hải Dương kéo dài suốt 22 ngày của đợt dịch thứ 3. Số ca mắc chiếm 76,2 tổng số ca mắc của cả nước trong đợt dịch thứ 3. 12/12 huyện của tỉnh đều có ca bệnh dương tính. “Tình hình Hải Dương vẫn rất phức tạp, không phải như một số đồng chí và một số báo chí nêu” – Ông Khuê nhấn mạnh.

Ông Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban điều trị BCĐ Quốc gia phòng, chống COVID-19, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh
Ông Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban điều trị BCĐ Quốc gia phòng, chống COVID-19, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh

Vì thế, Bộ Y tế đã phân công Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW hỗ trợ Bệnh viện dã chiến tại TTYT TP Chí Linh; Viện Vệ sinh dịch tễ, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm cho Hải Dương.

Trong số các ca đã mắc, 83,3% không có biểu hiện lâm sàng; 14,2 có biểu hiện lâm sàng nhẹ, hiện đang có 15 ca tiên lượng nặng, 1 ca nặng phải thở máy không xâm nhập; 2 ca nguy kịch phải dùng kỹ thuật ECMO. Do 80% ca bệnh không có biểu hiện nên đều khó phát hiện, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã điều chỉnh lại phân luồng cách ly, cách phát hiện bệnh; tiếp tục thực hiện tiêu chí an toàn bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tình hình dịch ở Cẩm Giàng và Hải Dương vẫn rất phức tạp, khó lường. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo Chỉ thị 16.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các địa phương cần phải tăng cường truy vết, xét nghiệm nhanh hơn nữa vì chủng virus lần này lây lan rất nhanh. Đã xảy ra một số trường hợp bệnh nhân đến cơ sở y tế khám bệnh 2, 3 lần mà không phát hiện được. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện kích hoạt quy trình báo động bệnh về viêm đường hô hấp, không chỉ các bệnh viện otrung ương mà cả các bệnh viện địa phương.

Đến bây giờ cũng phải chuẩn bị cho những tiêu chí an toàn cho không chỉ ở bệnh viện, cơ sở y tế mà còn ở các cơ sở sản xuất để sẵn sàng đón công nhân quay trở lại làm việc, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đối với Hải Dương, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế rất quan tâm, làm sao có thể khống chế được ổ dịch tại đây.

“Ngoài thực hiện giãn cách xã hội, phong toả, đẩy nhanh truy vết xét nghiệm, tình hình số ca bệnh phát hiện được tại Hải Dương cơ bản đã nằm trong số F1 đã đưa đi cách ly tập trung. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Hải Dương phải rà soát lại tất cả những khu cách ly. Xác định đúng đâu là F1, F2. Các khu các ly phải thực hiện nghiêm theo văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. Rà soát lại là không chỉ tại khu cách ly của quân đội mà cả khu các ly dịch vụ (nếu có) và cách ly tại gia đình. Ví dụ, cách ly F2 tại nhà thì phải có cam kết, đánh giá cụ thể. Nếu không chấp hành phải đưa đi cách ly tập trung ngay và có biện pháp xử lý”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Tỉnh Hải Dương cũng cần kiểm tra tất cả các khu công nghiệp, kể cả những dự án, doanh nghiệp, công ty, khu nhỏ lẻ đóng trên địa bàn. Yêu cầu các doanh nghiệp, công ty phải cam kết về công tác phòng dịch bệnh, người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, nếu vi phạm thì phải xử lý. Các hộ gia đình phải ký cam kết về phòng, chống dịch.

Ngoài những đối tượng được xác định F1, F2, những người khác đi về từ vùng dịch về cũng phải khai báo y tế

Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu liều vaccine

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc các địa phương phải chuẩn bị tất cả các kịch bản ứng phó với dịch nhanh nhất để ngăn chặn dịch; tăng cường tầm soát phát hiện sớm các ca bệnh trong các khu vực bệnh viện, nhà máy, những nơi tập trung đông người, điểm có nguy cơ, nơi giao lưu đi lại nhiều người để từ đó tìm ra được ca bệnh.

Theo Bộ trưởng, việc phát hiện ra ca bệnh chỉ điểm rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Nếu không phát hiện ra ca chỉ điểm, phòng dịch sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải tập trung vào tất cả những người có biểu hiện ho sốt… để chủ động hơn trong phòng, chống dịch”.

Các điểm cầu họp trực tuyến phòng, chống dịch

Các điểm cầu họp trực tuyến phòng, chống dịch

Trong đợt dịch thứ 3 phải khoanh vùng nhanh, lấy mẫu diện rộng và phong toả diện hẹp để giảm tác động phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo công tác chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bắt buộc phải cách ly F1 tại những khu tập trung. Vì nếu để F1 cách ly tại nhà sẽ gặp rất nhiều nguy cơ về lây nhiễm. Với các cơ sở cách ly dân sự, Bộ đề nghị lực lượng quốc phòng đóng vai trò chỉ đạo, giám sát, kiểm tra.

Hải Dương cần phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16 thì mới hy vọng trong 14 ngày kiểm soát được dịch.

Về vaccine, theo Bộ trưởng, chủ trương của Bộ Chính trị là làm thế nào để có vaccine cho mọi người dân. Vì thế, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các tổ chức để có vaccine cho Việt Nam.

“Theo tính toán thì trong năm 2021 thì Việt Nam phải có khoảng 150 triệu liều mới đảm bảo cho người dân” – Bộ trưởng thông tin.

Bộ Y tế cũng đã thực hiện cơ chế cấp phép trong tình huống khẩn cấp, các thủ tục được hoàn thành chỉ trong vòng 5 ngày. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn vaccine nhập khẩu đưa vaccine về Việt Nam, để cố gắng trong năm 2021 mọi người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với vaccine để tái khởi động phát triển nền kinh tế.

Đến ngày 19/2, tại Việt Nam, từ 25/1 đến nay ghi nhận 755 ca tại 13 tỉnh, thành, trong đó Hải Dương 575, Quảng Ninh 60, TP.HCM 36, Hà Nội 34, Gia Lai 27, Bình Dương 6, Bắc Ninh 5, Điện Biên 3, Hoà Bình 2, Hưng Yên 3, Bắc Giang 2, Hà Giang 1, Hải Phòng 1. Tính riêng trong 7 ngày tết từ 10/2 cả nước ghi nhận 204 trường hợp.