Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cứ 2 ca tử vong vì COVID-19 thì 1 trẻ mất người chăm sóc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, cứ 2 ca tử vong vì COVID-19, thì 1 trẻ mất người chăm sóc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 (Ảnh - An Nhiên)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 (Ảnh - An Nhiên)

Tại hội nghị tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, ngày 16/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Sau gần 2 năm, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia. Riêng đối với trẻ em, cứ 2 ca tử vong vì COVID-19 thì 1 trẻ mất người chăm sóc. Hiện nay có rất nhiều trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì COVID-19 và bị ảnh hưởng lớn đến quyền học tập.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - An Nhiên)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - An Nhiên)

Thông tin về tình hình điều trị COVID-19 ở trẻ em, TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Tlệ mắc COVID-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi so với camắc chung toàn quốc là: 19,2%, trong đó, từ 13-17 tuổi là 4,8%; từ 6-12 tuổi chiếm 8%; từ 3-5 tuổi là 2,8%; từ 0-2 tuổi 3,6%. Còn tỉ lệ tử vong trẻ em là 0,42% so với tỉ lệ tử vong chung.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 7/2 số trẻ được khám, chẩn đoán COVID-19 là 611 ca, trong đó 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương, 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện gồm: 51 ca khỏi, ra viện; 10 ca đang điều trị; 5 ca tử vong (3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đến ngày 7/2, Bệnh viện đã điều trị cho 338 trẻ nam và 279 trẻ nữ từ dưới 5-15 tuổi.

Hiện, cả nước đã tiêm được 16.328.693 mũi vaccine COVID-19 cho trẻ em, trong đó 8.460.065 trẻtừ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1; 7.868.628 trẻ tiêm 2 mũi; 88 trẻ tai biến nặng; 61.423 trẻ phản ứng thông thường.

Để bảo vệ trẻ em trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính: Hướng dẫn xử trí khi phát hiện trẻ em bị mắc COVID-19 tại trường học và tại nhà; hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại nhà; hướng dẫn xử trí và điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Làm thế nào để chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà?

Thông tin về việc chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho hay: Trẻ mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà là trẻ mắc bệnh, đã điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà; trẻ mới mắc bệnh mức độ nhẹ, không có nguy cơ diễn biến nặng, có người chăm sóc khoẻ mạnh, hiểu biết.

Khi chăm sóc cho trẻ nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà, gia đình cần chú ý những triệu chứng bất thường của trẻ để báo nhân viên y tế gồm: Sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; mệt mỏi không chịu chơi; đau ngực; SpO2 < 96%; khó thở; ăn bú kém.

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu chuyển nặng như: Thở nhanh, khó thở; cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím, người chăm sóc trẻ cần báo ngay với nhân viên y tế để cấp cứu kịp thời.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - An Nhiên)

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - An Nhiên)

Theo ông Hiếu, khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, người chăm sóc cần đeo khẩu trang, tấm che giọt bắn khi chăm sóc trẻ, vệ sinh tay thường xuyên, mở cửa sổ thông thoáng nơi ở, thường xuyên vệ sinh bề mặt, xử lý chất thải của trẻ nhiễm bệnh theo hướng dẫn; đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi; vệ sinh tay; dùng khăn giấy che khi ho, hắt hơi, sau bỏ khăn giấy; tập thể dục nhẹ nhàng đối với trẻ lớn; đo SpO2, nhiệt độ 2 lần/ngày (tự đo hoặc người chăm sóc giúp đỡ; ổn định tâm lý cho trẻ, nhận biết dấu hiệu nặng.

Đặc biệt, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lưu ý các bậc phụ huynh khi điều trị tại nhà cho trẻ cần thông tin cho người chăm sóc nhận biết được tình trạng nặng của trẻ; sử dụng thuốc hạ sốt, chăm sóc dinh dưỡng; không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến bác sĩ; có tổ y tế cơ sở theo dõi hỗ trợ người chăm sóc trẻ.

Trường học phải bảo vệ học sinh khi đi học trở lại

Theo Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), khi có F0 trong trường học, nhà trường phải chuyển F0 đó xuống phòng cách ly tạm thời; thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ trường trong công tác phòng, chống COVID-19 để cùng xử lý.

Đối với lớp có học sinh F0, giáo viên cần cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế; test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó, cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

Nếu các trường hợp F1 trong lớp học có kết quả xét nghiệm âm tính thì trường học cho học sinh đi học trở lại bình thường

Trường hợp phát hiện F0 trong các F1 ở lớp học, nhà trường phải cho học sinh ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định như sau:

- Học sinh đã tiêm đủ liều vaccine thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì được đi học trở lại.

- Học sinh chưa được tiêm vaccine được nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Phun khử khuẩn lớp học (Ảnh - VT)

Phun khử khuẩn lớp học (Ảnh - VT)

Đối với các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu tiếp xúc giữa F0 với các học sinh lớp khác, thì trường cho các em đi học bình thường.