Thông tư 20 quy định thương nhân nhập khẩu và phân phố xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi ở Việt Nam phải có "giấy phép nhập khẩu từ nhà sản xuất chính hãng". Theo các doanh nghiệp, quy định này đặt ra điều kiện kinh doanh không hợp lý, làm méo mó môi trường cạnh tranh.
Duy trì hay bãi bỏ Thông tư 20 sẽ gửi một thông điệp mạnh cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung; và quyết định tới sự thui chột, hay phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Song, dù quyết định của Chính phủ như thế nào, cũng cần dựa trên nền tảng công bằng, không phân biệt đối xử - yếu tố cốt lõi cho kinh tế thị trường bén rễ và phát triển.
Công ty ô tô Trường Hải nay đã trở thành một ông lớn về mọi lĩnh vực khi xuất phát từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ bé chuyên về phân phối ô tô. Nếu có Thông tư 20 khi doanh nghiệp này mới thành lập, Trường Hải liệu có tương lai như ngày hôm nay?
Vì thế, duy trì Thông tư 20 là tước đoạt cơ hội của không ít doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ khác vươn lên thành Trường Hải.
Đó là phân tích ở góc độ cần đảm bảo một môi trường kinh doanh để mọi doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Xét ở góc độ luật pháp, có hàng loạt những vấn đề đối với Thông tư 20.
Các nhà hoạch định chính sách Bộ Công Thương đang cố thuyết phục rằng, quy định ‘giấy phép nhập khẩu từ nhà sản xuất chính hãng’ là thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh.
Song, thực tế quy định này có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được. Ngành nghề nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ hoàn toàn không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo phụ lục 4 của Luật Đầu tư.
Nếu xét ở góc độ thủ tục hành chính, thì quy định này lại không có căn cứ. Thủ tục hành chính về nhập khẩu được quy định tại các nghị định 12/2006 và 187/2013 về mua bán hàng hoá quốc tế. Hai nghị định này đã quy định về điều kiện nhập khẩu nhưng không có điều kiện nào như Thông tư 20 bắt doanh nghiệp phải tuân thủ.
Trong khi đó, Thông tư 20 cũng không phù hợp với Luật Cạnh tranh. Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định về hành vi bị cấm của cơ quan quản lý Nhà nước: Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện các hành vi sau đây cản trở cạnh tranh trên thị trường:
- Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
- Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
- Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;
- Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Như vậy, Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có uỷ quyền và không có uỷ quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh.
Là cơ quan đảm bảo cạnh tranh, lẽ ra Bộ Công Thương phải thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường, thay vì cản trở quá trình này.
Khi ban hành Thông tư 20 năm 2011, các nhà làm chính sách cho rằng tác động của nó là làm giảm nhập siêu. Đó là điều đúng đắn trong bối cảnh thâm hụt thương mại trầm trọng.
Nhưng tác động này nay không còn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2011, Việt Nam nhập 55.000 xe, năm 2015 tăng lên đến 125.000 xe. Về giá trị cũng tăng lên: năm 2011: 1.02 tỉ đô la Mỹ; sang 2015: 2,98 tỉ đô la Mỹ (giá chưa tính thuế). Tỷ lệ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 2011 chiếm 0.94% tổng giá trị nhập khẩu nhưng đến 2015 là 1.81% tổng giá trị nhập khẩu.
Như vậy, rốt cuộc thị trường này rơi vào tay các ông lớn; và người tiêu dùng là lãnh đủ: giá xe ngày càng cao (không hẳn vì thuế) mà mua xe vẫn khó khăn.
Liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết định theo hướng nào?
Tư Giang (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)