Thống đốc NHNN: Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 566.000 tỷ đồng

VietTimes -- Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 17/11/2017, Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng đã trả lời đại biểu Quốc hội về hoạt động của ngành Ngân hàng, trong đó, đáng chú ý là các số liệu về nợ xấu và xử lý nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng, tình hình triển khai áp dụng Nghị quyết số 42.
Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 566.000 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) về tình hình và số liệu nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng cho biết: “Số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ Nợ xấu nội bảng của các Tổ chức tin dụng (TCTD) là 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016.”

Theo người đứng đầu NHNN, để đánh giá nợ xấu một cách thận trọng thì cần phải tính đến một số khoản nợ có khả năng tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty quản lý tài sản – PV) mà chưa xử lý được.

“Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng, giảm hơn so với con số 600.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016 (Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV - PV). Như vậy, tỷ lệ Nợ xấu và các khoản vay tiềm ẩn nợ xấu trên Tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 9 năm 2017 là ở mức 8,61%, giảm so với con số 10,08% so với cuối năm 2016.”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm.  

Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng ngày 17/11/2017 (Nguồn: QH)

NHNN sẽ triển khai quyết liệt để cơ bản xử lý xong nợ xấu đến năm 2020

Nhận định về tình hình triển khai Nghị quyết số 42 về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” của Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc), ông Lê Minh Hưng cho biết: “Nghị quyết 42 mới có hiệu lực được 2 tháng nên vẫn cần thời gian phối hợp với các cơ quan đặc biệt là Tòa án Nhân dân các cấp, cơ quan thi hành án và một số các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ mà Quốc hội đã cho phép.”

Thống đốc cũng cho biết thêm, mặc dù Nghị quyết 42 có hiệu lực 15/8/2017, kết quả xử lý đã đạt được khoảng 15.000 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu đã được xử lý từ đầu năm đến nay khoảng 78.000 tỷ đồng. Riêng VAMC năm nay xử lý được 20.000 tỷ đồng (từ năm 2013 – nay xử lý được 60.000 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về khả năng thực hiện cơ bản xử lý xong nợ xấu tại các TCTD đến năm 2020 như mục tiêu đề ra, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng: “Những nội dung trong đề án của Chính phủ về cơ cấu lại gắn với các biện pháp xử lý nợ xấu rất cơ bản, và có lộ trình cụ thể nếu triển khai quyết liệt và đạt được những tiến độ và nội dung đã đặt ra rất cụ thể trong đề án có thể đảm bảo các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.”

Về các giải pháp thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu (vẫn chưa đạt như mong muốn), Thống đốc NHNN cũng đã đưa ra một số định hướng như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát rủi ro.

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động Ngân hàng

Dựa trên các kết quả tích cực và mang tính chất răn đe từ việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động Ngân hàng thời gian vừa qua, ông Lê Minh Hưng cũng cho biết NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị của Bộ Công An trong việc xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động Ngân hàng.

Liên quan đến đề nghị thêm điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn: “Nếu Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà không có điều khoản miễn trừ trách nhiệm này thì NHNN có làm được không?”

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN khẳng định: “Ngành Ngân hàng không đề nghị miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật, nếu cán bộ nào tham gia quá trình tái cơ cấu mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.”

“Chúng tôi cũng mong muốn có quy định trong dự thảo luật để có thể tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực trình độ yên tâm công tác.”, ông Lê Minh Hưng đề nghị.

Nhận xét về phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đánh giá Thống đốc đã trả lời tự tin và khá trọng tâm các vấn đề đặt ra.

Theo "Báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và dự báo cả năm 2017" của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%).

Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016 do các khoản mục Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và TPDN phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.

Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó: Nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm 9 khoảng 33,6%; sử dụng Dự phòng rủi ro (DPRR) để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán Tài sản đảm bảo (TSBĐ) khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác. Hệ thống TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối T9/2017, số dư DPRR tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.