“Mong Quốc hội thông qua nghị quyết này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ có khuôn khổ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu” – Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói như vậy tại Quốc hội cuối giờ sáng 7/6.
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng do Thống đốc đã trình. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu làm rõ hơn các nội dung về quyền của cán bộ tổ chức tín dụng trong xử lý tài sản, về các yêu cầu chống lợi ích nhóm khi xử lý tài sản đảm bảo….
Nội dung nữa được các đại biểu yêu cầu làm rõ là quy định cụ thể tại nghị quyết, để làm sao không dẫn đến cách hiểu là chỉ có ngân hàng được hưởng lợi và trách nhiệm gây ra nợ xấu đã không xử lý đến nơi đến chốn. Đồng thời, Nghị quyết cần bổ sung rõ nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước (2011-2015), bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nợ xấu.
Nguyên nhân khách quan nữa là sự thiếu ổn định của các chính sách vĩ mô còn thiếu ổn định đã ảnh hưởng và tác động đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thống đốc lưu ý cũng có hiện tượng khách hàng của ngân hàng trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Tuy nhiên, Thống đốc xác nhận là có tình trạng quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ. Và đó tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Bên cạnh đó là, năng lực quản trị rủi ro của một ngân hàng còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt;
Đáng lưu ý, Thống đốc cho biết nhiều tổ chức tín dụng chưa quan tâm tới xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. “Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định. Các hành vi vi phạm này trong thời gian qua đã, đang và sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua còn hạn chế, còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng trong tình hình mới. Một số ít cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng còn vi phạm pháp luật” – Thống đốc phát biểu trong bài giải trình của ông.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tính đến 31-12-2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ.
Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, cả hai khối nợ này "đều có nguy cơ cao trở thành nợ xấu".
“Nếu tính cả những khoản này, và NHNN đánh giá rất thận trọng, thì đến hạn cũng sẽ thành nợ xấu, tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Báo cáo Quốc hội, con số xấu là như vậy" - Thống đốc khẳng định.
Giải trình các nội dung trực tiếp liên quan tới dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấy, Thống đốc khẳng định trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dẫn số liệu từ hoạt động thành tra của NHNN và các cơ quan khác, Thống đốc cho biết từ năm 2011 đến năm 2016, chỉ riêng Bộ Công an đã khởi tố 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm… Có tổ chức tín dụng, như tại Agribank, trong giai đoạn từ 2013 đến nay đã khởi tố điều tra 65 vụ án, xử lý hình sự 122 cán bộ.
Có vẻ như giải trình của Thống đốc NHNN đã đủ thuyết phục các đại biểu Quốc hội. Khi kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý lại yêu cầu về nguyên tắc không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, không dùng cơ chế thuế, phí để xử lý nợ xấu. “Tuy nhiên, chúng ta cho phép các ngân hàng trích tăng dự phòng rủi ro có nghĩa là giảm thu ngân sách Nhà nước” – ông Hiển nói. Tuy nhiên, nếu nợ xấu có nguồn gốc từ sự tắc trách của ngân hàng, thì liệu có nên tăng quyền cho chính ngân hàng xử lý nợ xấu? Đó dường như vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo thống đốc, trong những năm qua, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp, nhưng nợ xấu vẫn giảm chậm do tiếp tục tăng lên cùng với hoạt động tín dụng. Đó là cách giải thích có phần thiếu rõ ràng, vì chưa bóc tách được những nợ xấu nào của giai đoạn cũ, những phần nào mới phát sinh.
Khi chưa bóc tách rõ ràng, khéo không nợ xấu cũ có nguyên nhân từ ngân hàng lại được “mở đường dọn” bằng những cơ chế áp dụng cho nợ xấu hình thành trong giai đoạn mới. Nói cách khác là hợp lý hoá những sai phạm chưa lộ diện bằng cơ chế công khai.