Thời tiết quá lạnh: Nguy cơ đột quỵ tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tháng mùa đông ghi nhận tăng 10-15% so với ngày thường. Đây là điều cần cảnh báo khi miền Bắc đang trải qua những ngày rất lạnh.

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng tổn thương não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương, loại trừ nguyên nhân chấn thương.

Đột quỵ là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu hiện nay. Ước tính, ở nước ta mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, hơn 50% người bệnh tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi, tuy nhiên trên thực tế những năm qua, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh này. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ do vỡ hoặc tắc mạch máu, do đó rất khó để kiểm soát. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ đột quỵ có thể kể đến như: Bệnh lý tim mạch, cholesterol cao, tăng huyết áp, stress kéo dài, đái tháo đường, nhiệt độ thay đổi đột ngột,...

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ gia tăng vào mùa đông

Theo nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện ĐH Jena ở Thuringia (Đức), thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 30%. Nguy cơ này xuất hiện tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tháng mùa đông ghi nhận tăng 10-15% so với ngày thường.

Cũng theo nghiên cứu, kết quả cho rằng cứ khi nhiệt độ giảm 5°C sẽ làm tăng tỷ lệ đột quỵ thêm 7%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lý giải rằng, dưới thời tiết lạnh, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch co lại và hẹp hơn. Đồng thời, khi nhiệt độ xuống thấp, máu có xu hướng cô đặc. Chính hai yếu tố co mạch và máu cô đặc hơn làm tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông. Nếu chúng di chuyển lên não và kẹt lại ở khu vực lòng mạch hẹp sẽ làm tắc mạch máu, dẫn tới việc cung cấp máu, dinh dưỡng và oxy lên não bị gián đoạn. Khi đó, các tế bào não không đủ dinh dưỡng và oxy sẽ dần hoại tử. Tình trạng này được gọi là đột quỵ nhồi máu não.

tinhhoa_net-rr28ou-20160123-ret-dam-ret-hai-bao-phu-toan-mien-bac_AQCP.jpg
Cần giữ ấm khi ra ngoài khi trời rét

Đặc biệt, người cao tuổi đang ở trong chăn ấm mà đứng dậy sẽ dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch máu co lại, huyết áp tăng cao đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh đột quỵ có thể tử vong hoặc phải gánh chịu những di chứng hết sức nặng nề.

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh?

Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên giữ cho cơ thể đủ ấm, hạn chế đi ra ngoài đường khi nhiệt độ quá thấp, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không bước ra ngoài ngay khi thức dậy, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, không tắm quá khuya hoặc tắm quá lâu để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt,...

Mọi người cũng cần lưu ý, khi tỉnh giấc buổi sáng hoặc vệ sinh lúc đêm khuya, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay lập tức mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Tránh ở ngoài trời lâu trong thời tiết lạnh. Nếu phải ra ngoài, bạn cần mặc ấm, nhiều lớp quần áo, che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và mang giày ấm.

Không cố gắng vận động quá gắng sức trong khí hậu lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường, kết hợp với gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể, cũng được đánh giá là gắng sức. Thậm chí, chỉ ngồi yên ở ngoài trời lạnh cũng thúc đẩy bên trong cơ thể chúng ta phải hoạt động nhiều hơn bình thường nhằm giữ cho thân nhiệt được ổn định.

Ngược lại với quá lạnh thì quá nóng cũng là một yếu tố nguy cơ. Nhiệt độ cao sẽ làm cho các mạch máu đột ngột giãn ra, có nguy cơ dẫn đến hạ huyết áp ở người mắc bệnh tim mạch. Mặc quần áo ấm trước khi hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể bị nóng bức. Nếu hoạt động ngoài trời lạnh và thấy đổ mồ hôi nhiều, như vậy là cơ thể bạn đang quá nóng và có sự bất thường. Thậm chí người bị bệnh tim mạch nên coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Lúc này, hãy dừng việc đang làm và vào nhà nghỉ ngơi trong nhiệt độ thích hợp.

Trời lạnh, nhiều người sẽ có thói quen uống rượu, tuy nhiên uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh là việc làm nguy hiểm. Bởi rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự các cơ quan quan trọng đã bị lấy đi nguồn nhiệt.

Để phòng ngừa đột quỵ nói riêng và nhiều bệnh lý khác, mọi người cần tránh hút thuốc lá (tác nhân dễ kích thích khởi phát cơn rung nhĩ), không ăn mặn, tập thể dục hoặc vận động phù hợp, hạn chế xúc động hoặc stress, ăn uống đầy đủ, khoa học...

Riêng đối với bệnh nhân tim mạch, cần dự phòng biến chứng tắc mạch não do rung nhĩ bằng cách kiểm soát tốt tần số tim và ngăn cản sự hình thành huyết khối. Việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và được bác sĩ chuyên khoa tim mạch theo dõi thường xuyên. Điều trị dự phòng đòi hỏi kết hợp xử trí nguyên nhân gây rung nhĩ bằng các kỹ thuật y khoa, điều trị bệnh mạch vành, tiểu đường và viêm phổi.

Ngoài ra, để tránh các biến chứng chứng đột quỵ, việc chăm sóc sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng, lối sống là việc làm rất cần thiết. Người bệnh nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để nhận biết sớm tình trạng bệnh lý và được theo dõi, quản lý sức khỏe. Đặc biệt những người có tiền sử tim mạch, đột quỵ hoặc mắc các bệnh mãn tính.

Bên cạnh đó, mọi người nên thực hiện chế độ ăn đủ chất để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng chống rét, bổ sung các loại vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, không quên có những hoạt động rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe.