Thời của "thiên nga đen"

Trước khi biết có thiên nga đen tồn tại trên đời, người ta vẫn tin rằng tất cả chim thiên nga đều mang bộ lông màu trắng. Phát hiện này đã thay đổi toàn bộ thế giới quan của nhân loại (về thiên nga). Lời bạt cho cuốn sách “Thiên Nga Đen” cách nay gần một thập kỷ của Nassim Nicholas Taleb tỏ ra không hề lỗi mốt trong hiện tại và góp phần đắc lực để giải thích cho cuộc khủng hoảng bất ngờ của Huawei, quyết định khó lường của Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và thế giới mà chúng ta đang sống. 
Thời của "thiên nga đen"
Thời của "thiên nga đen"

Kevin Frayer, một trong những nhà báo ảnh xuất sắc nhất thời hiện đại, là người hiếm hoi được mời đến đại bản doanh của Huawei tại Thâm Quyến – nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Với doanh thu hơn 100 tỉ USD năm ngoái, Huawei đã vượt Apple của Mỹ để trở thành sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Samsung của Hàn Quốc. Qua những bức ảnh của Frayer, người ta có thể dễ dàng nhận ra bên trong đại bản doanh của Huawei là một không gian vô cùng rộng lớn và thanh bình, với những tòa nhà thiết kế theo phong cách châu Âu. Thậm chí, Cung điện Versailles nổi tiếng của Pháp cũng được mô phỏng tại đây.

Trong toàn bộ phóng sự ảnh (photo essay) của Frayer được tờ The Guadian đăng tải, có một bức ảnh dù không chụp bên trong bức tường làm việc, nghiên cứu của nhân viên Huawei, nhưng không thể qua và “hợp thời” hơn cả với tình cảnh của Huawei hiện tại. Đó là bức ảnh Frayer chụp một người phụ nữ trung tuổi đang ngồi bên hồ ngắm nhìn những con thiên nga đen ăn.

“Có hẳn một người làm vườn chuyên nuôi những con thiên nga đen được mang đến từ Úc, như một lời nhắc nhở các nhân viên cần coi chừng “những con thiên nga đen” - nhằm ám chỉ những sự kiện không thể dự đoán trước, mang đến hậu quả lớn và tránh tâm lý tự thỏa mãn”, Frayer miêu tả.

Huawei đứng trước nguy cơ bị phương Tây cô lập về công nghệ - ảnh: Shutter

Huawei đứng trước nguy cơ bị phương Tây cô lập về công nghệ - Ảnh: Shutterstock

Ý nghĩa biểu tượng ấy bất ngờ trở thành hiện thực. Ngày 16.5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đưa công ty Huawei vào danh sách đen của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Hệ quả là nhà sản xuất di động và thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc phải chịu lệnh cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ, kéo theo việc chấm dứt hợp tác của hàng loạt nhà cung cấp và đối tác Mỹ. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm vận một công ty của một quốc gia và sự quay lưng liên tiếp của các đối tác kinh doanh có thể coi là một “Thiên Nga Đen” đối với Huawei.

Một lần nữa, Black Swan Theory hay Thuyết về những sự kiện Thiên Nga Đen của tác giả Nassim Nicholas Taleb lại tỏ ra vô cùng hữu ích để tư duy về một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra với ba đặc điểm chính: không thể dự đoán; có tác động lớn và sau khi nó xảy ra, người ta lại dựng lên một lời giải thích để nó trở nên ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó.

Tương tự như vậy, Huawei, qua báo cáo thường niên hàng năm, thường nhắc đến căng thẳng địa chính trị và sự bền vững của chuỗi cung ứng như những rủi ro chính đối với công ty – dù hiếm khi xảy ra nhưng ảnh hưởng rất lớn.

Chuỗi cung ứng chằng chịt của Huawei đứng trước nguy cơ bị đứt gãy do mọi hoạt động trao đổi, hợp tác của Huawei với các công ty Mỹ bị buộc phải ngừng lại (trừ khi được chấp thuận bởi Bộ Thương mại Mỹ). Quyết định này gây ra rắc rối lớn cho Huawei khi hai cấu phần quan trọng của phân khúc điện thoại di động là hệ điều hành Android và con chíp đều đến từ Mỹ.

Nỗi ám cố hữu về “Thiên Nga Đen” giúp cho Huawei chuẩn bị một vài phương án dự phòng cho trường hợp xấu nhất.

Đối mặt với thách thức về hệ điều hành, Huawei dự kiến tự thiết lập hệ điều hành mới thay thế cho Android của Google. Trong cùng tuần lễ khi danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ được công bố, Huawei đã đăng ký một thương hiệu mới cho hệ điều hành “Hongmeng”, dưới sự quản lý của Ủy ban Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực tung ra các hệ điều hành mới thường không được như kỳ vọng. Nhiều năm trước, Samsung đã công bố hệ điều hành “Tizen”, nhưng cuối cùng cũng thất bại trong việc thuyết phục người dùng sử dụng. Hay chính “gã khổng lồ” Microsoft cũng từng gánh chịu thất bại thậm chí còn nặng nề hơn với hệ điều hành Window Phone. Trên thực tế, Android và OS vẫn là hai hệ điều hành thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường điện thoại di động những năm gần đây.

Thị phần hệ điều hành điện thoại thông minh - Nguồn: IDC

Thị phần hệ điều hành điện thoại thông minh - Nguồn: IDC

Android và OS thống lĩnh gần như tuyệt đối thị trường hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh năm 2018. Các hệ điều hành còn lại chỉ chiếm 0,2% thị phần. Theo dự báo của IDC, thị phần của các hệ điều hành mới sẽ còn lại không đáng kể trong những năm tới.

Về chíp, Huawei tung ra phương án dự phòng mang tên HiSilicon. Trong số 19 công ty thành viên chủ lực (không kể các công ty phụ trách thu xếp vốn) được Huawei công bố công khai trong báo cáo thường niên gần nhất, chỉ có hai công ty duy nhất mà tên gọi không chứa chữ “Huawei”, đó là HiSilicon Technologies và HiSilicon Optoelectronics. Trước đó, cái tên HiSilicon cũng hoàn toàn xa lạ, cho đến khi Intel, Qualcomm và Broadcom – ba nhà cung cấp chip chính hàng đầu thế giới quyết định dừng hợp tác với Huawei theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ. Giờ đây, HiSilicon được nhắc đến nhiều như một giải pháp thay thế cho con chip của Huawei.

“Sau một đêm, tất cả kế hoạch dự phòng (Plan B) mà chúng ta xây dựng đều trở thành kế hoạch A”, bà He Tingbo, Giám đốc điều hành HiSilicon viết trong một văn bản nội bộ gửi tới nhân viên.

HiSilicon là công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn do tập đoàn Huawei sở hữu 100%. Trụ sở chính cũng ở Thâm Quyến, HiSilicon bắt đầu tập trung sản xuất chip cho điện thoại thông minh bốn năm trước. Năm ngoái, công ty này đã sản xuất một lượng chip trị giá hơn 7,5 tỉ USD.

“Việc ngừng hoạt động của bên thứ ba có thể làm tổn hại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến vận hành và hiệu quả kinh doanh của Huawei”, công ty nhận định rõ về rủi ro nếu như bị ngắt kết nối với một trong số hơn 10.000 nhà cung ứng trên toàn cầu.

Quản trị Tính liên tục trong Kinh doanh - Business Continuity Management (BCM) là một kế hoạch tổng thể được Huawei thiết lập và cải tiến qua từng năm, theo báo cáo thường niên của công ty. Hệ thống BCM lập ra các quy trình từ đầu đến cuối, từ những nhà cung ứng cho Huawei đến khách hàng của họ, để đảm bảo vận hành, sản xuất, logistics, dịch vụ kỹ thuật toàn cầu và các lĩnh vực khác hoạt động. “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng trong trường hợp xấu nhất, hoạt động của công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Ken Hu, Phó chủ tịch Huawei viết trong văn bản gửi tới nhân viên.

Bên cạnh hệ thống BCM, Huawei đã đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) – giải pháp (về mặt lý thuyết) giúp cho một công ty giành thế chủ động và bớt phụ thuộc vào các nhà cung ứng trong tương lai. Công ty đã dự đoán được khó khăn từ Mỹ “nhiều năm trước” và đã đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động R&D, Phó chủ tịch Ken Hu cho biết.

Trong thập kỷ qua, Huawei đã dành gần 70 tỉ USD đầu tư cho R&D. Trung bình mỗi năm, Huawei dành 10% doanh thu cho hoạt động này (đầu tư R&D của Huawei luôn trên 14% doanh thu trong hai năm qua). Không chỉ cam kết về vốn, số liệu năm 2018 cho thấy 80.000 người tương đương gần một nửa số nhân viên của Huawei hoạt động trong lĩnh vực R&D. Không giấu diếm chủ ý muốn giành thế chủ động, Huawei hiện là một trong những công ty sở hữu danh mục bằng sáng chế lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, Huawei đã được cấp tổng cộng 87.805 bằng sáng chế ở cả Trung Quốc và thị trường quốc tế.

Lựa chọn tự phát triển công nghệ đến một cách tất yếu khi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty Trung Quốc tại Mỹ đang diễn ra khó khăn hơn bao giờ hết. Số liệu của Bloomberg cho thấy, giá trị các thương vụ công ty Trung Quốc mua lại công ty Mỹ hiện đã giảm chỉ còn tương đương 1/10 đỉnh điểm cuối năm 2016.

Mỹ đã bắt đầu dè chừng hơn với các công ty đến từ Trung Quốc. Đầu năm ngoái, Ant Financial – công ty công nghệ tài chính của Alibaba đã thất bại trong việc thâu tóm MoneyGram của Mỹ. Thương vụ trị giá 1,2 tỉ USD đã không thể diễn ra do không đạt được chấp thuận từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ.

Giá trị các thương vụ M&A giữa Mỹ và Trung Quốc

Giá trị các thương vụ M&A giữa Mỹ và Trung Quốc - Nguồn: Bloomberg

Lo lắng về an ninh từ các công ty công nghệ Trung Quốc, mà cụ thể đối với Huawei và ZTE, đã được đặc biệt chú ý từ thời Tổng thống Barack Obama. Trong một báo cáo kết luận điều tra công bố hồi tháng 10 năm 2012 về hai công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, Ủy ban Tình báo Mỹ - dù không thu được bằng chứng cụ thể về việc xâm phạm an ninh quốc gia - nhưng đã đưa ra những khuyến nghị mạnh mẽ cho Chính phủ Mỹ về việc cấm sử dụng thiết bị (hoặc một phần thiết bị) do Huawei và ZTE cung cấp cho khu vực công tại Mỹ, đồng thời khuyến cáo các công ty tư nhân Mỹ tìm đối tác khác ngoài hai công ty trên của Trung Quốc. Ủy ban Tình báo Mỹ cũng khuyến nghị CFIUS ngăn chặn mọi thỏa thuận M&A giữa Huawei và ZTE với các công ty Mỹ.

Gần bảy năm sau báo cáo trên được công bố, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang làm chính xác những gì được khuyến nghị trước đó bởi Ủy ban Tình báo Mỹ. Cả hai công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc đều đã bị áp lệnh cấm vận (lệnh cấm công ty Mỹ bán thiết bị cho ZTE hồi tháng 4 năm ngoái và quyết định đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 5 vừa qua).

Quyết định đóng băng quan hệ hợp tác với Huawei của Google, Intel, Qualcomm và các công ty Mỹ có thể là cột mốc đánh dấu việc cuộc chiến thương mại ồn ào giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ. Bằng cách cô lập Trung Quốc khỏi công nghệ phương Tây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố cho thế giới thấy trận chiến thực sự ở đây: quốc gia nào trong số hai siêu cường kinh tế sẽ nắm lợi thế công nghệ trong những thập kỷ tới. Đây cũng có thể được coi là một cuộc đấu tranh của Mỹ nhằm hạn chế những gì các chuyên gia gọi là khả năng sử dụng công nghệ để đạt được uy quyền địa chính trị của Bắc Kinh.

Hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc vượt ra ngoài câu chuyện của Huawei. Các báo cáo chỉ ra rằng Mỹ có thể sẽ đưa vào danh sách đen thêm năm công ty công nghệ của Trung Quốc, trong đó có Hikvision – nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới. Mối lo ngại đã lan đến cả những công ty công nghệ đã được chính quyền Mỹ chứng nhận và giám sát cẩn trọng nhất như SMIC. Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đã lên kế hoạch nộp đơn xin hủy niêm yết ngay đầu tháng 6 tới, kết thúc 15 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Mỹ, nguyên nhân do cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã tràn đến lĩnh vực công nghệ. Dự kiến sau khi hủy niêm yết tại Mỹ, cổ phiếu của SMIC sẽ còn chỉ được giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong – nơi được xem là an toàn hơn đối với một công ty được hỗ trợ bởi Chính phủ Trung Quốc.

Bình luận về cú sốc Huawei và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ông Rainer Michael Preiss, Giám đốc điều hành Taurus Wealth Advisors chia sẻ với Nhà Quản Lý: “Thay đổi trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong thế giới mà sự biến động về chính trị, kinh tế, xã hội đang trở thành một thực tại mới”. Những thay đổi không nhất thiết chỉ để khai phá thêm thị trường mới, mà còn mang ý nghĩa bảo hiểm rủi ro từ những “thực tại mới” trong thế kỷ XXI.

Quay lại với kết luận của Taleb, đặc điểm cuối cùng của một hiện tượng Thiên Nga Đen đó là “sau khi nó xảy ra, người ta lại dựng lên một lời giải thích để nó trở nên ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó”. Và cú sốc Huawei - bất chấp mọi nỗ lực lý giải trên đây - dường như cũng không khác nhiều so với hình dung của Taleb là mấy.

Theo Nhà quản lý

Link gốc: http://nhaquanly.vn/thoi-cua-thien-nga-den-d20190525111419740.html