Chuyển từ công nghệ thông tin hóa... sang AI hóa
Ngày 3/1, tại Hội nghị quân chính, tổng kết năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Thiếu tướng Tào Đức Thắng đánh giá trí tuệ kết hợp với AI sẽ phá vỡ mọi quy tắc thông thường, tạo ra sự bùng nổ trong mọi ngành nghề và len lỏi phục vụ mọi lĩnh vực của đời sống.
Nhắc tới Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel, ông Thắng nêu rõ nhiệm vụ của nơi đây là xây dựng chiến lược AI trở thành một trụ cột của Tập đoàn. Chuyển từ công nghệ thông tin hóa sang AI hóa, ứng dụng AI sâu rộng vào mọi hoạt động của Tập đoàn và hoàn thành phiên bản trợ lý ảo của Viettel cho khách hàng.
Ông Thắng cho rằng trí tuệ kết hợp với AI sẽ phá vỡ mọi quy tắc thông thường, tạo ra sự bùng nổ trong mọi ngành nghề và len lỏi phục vụ mọi lĩnh vực của đời sống.
"Tại Viettel, trí tuệ nhân tạo AI sẽ là trụ chiến lược thứ 5 của Tập đoàn với mục tiêu đưa AI vào tất cả các hoạt động trong nội bộ và hướng tới phổ cập AI tại Việt Nam", Thiếu tướng Tào Đức Thắng nêu rõ.
Như vậy, Viettel đặt mục tiêu về trụ cột chiến lược thứ 5 là AI sau hơn 35 năm kinh doanh với 4 trụ cột chiến lược, gồm Viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài, Giải pháp công nghệ thông tin, Công nghiệp - công nghệ cao, Logistics-thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.
Ông Thắng khẳng định yêu cầu bắt buộc đối với Viettel năm 2025 là tiên phong công nghệ để Viettel tiếp tục dẫn đầu.
"Chúng ta phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng 5G, Cloud, AI, IoT, Big data, Blockchain, thực tế ảo… Ứng dụng và chuyển đổi mạnh mẽ các công nghệ mới vào mọi hoạt động, thúc đẩy phát triển dịch vụ, sản phẩm “Make in Vietnam", tướng Thắng nói.
Viettel cán đích doanh thu 190.000 tỷ đồng, cao nhất ngành viễn thông
Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất của Viettel năm 2024 là 190.000 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch, tăng trưởng 10,3%, mức tăng cao nhất trong ngành viễn thông.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp 51.000 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng trưởng 11,3%. Viettel nộp ngân sách Nhà nước 44.300 tỷ đồng, tăng 17%.
Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp đến từ việc duy trì tăng trưởng viễn thông trong nước, phát triển kinh doanh quốc tế, nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ cao, phát triển lĩnh vực logistics, an ninh mạng, AI và công nghệ số.
Lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin của Viettel tăng trưởng 38% trong năm 2024, chiếm tỷ trọng 40% tổng doanh thu, giữ thị phần số một trong lĩnh vực đầu tư công.
Trong năm 2024, Viettel tiếp tục khẳng định tiên phong về công nghệ khi là doanh nghiệp đầu tiên chính thức kinh doanh mạng 5G với vùng phủ lớn nhất Việt Nam, đạt 95% thủ phủ toàn bộ các tỉnh, thành phố. Viettel thuộc top 5% nhà mạng trên thế giới có kiến trúc 5G hiện đại nhất. Trong năm 2025, Viettel phát triển mới 12.000 trạm 5G tại Việt Nam.
Như vậy, cùng với mạng 4G phủ sóng 98% dân số, mạng 5G mà Viettel xây dựng sẽ là hạ tầng kết nối băng rộng di động tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ứng dụng phục vụ nhu cầu của xã hội số.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel hoàn thành nhiệm vụ đề án A1 vượt mục tiêu đề ra. Các sản phẩm của đề án đã được ứng dụng, đưa vào trang bị phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần hiện đại hóa Quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, Viettel thử nghiệm, nghiệm thu thành công nhiều vũ khí chiến lược, sẵn sàng sản xuất loạt và đưa vào trang bị diện rộng cho Bộ Quốc phòng.
Cũng trong năm 2024, Viettel đã có các ký kết xuất khẩu radar và các hệ thống mô phỏng huấn luyện với Malaysia và Philippines, xuất khẩu thiết bị 5G đến Ấn Độ và 9 quốc gia Trung Đông, hiện thực hoá tầm nhìn Tập đoàn công nghệ toàn cầu.