Thị trường mà không thị trường

Giá cả của hàng loạt mặt hàng thiết yếu ở nhiều thị trường, cả những nơi cạnh tranh cao lẫn nơi nhà nước độc quyền, vẫn phải được điều hành bởi các mệnh lệnh hành chính. Vì sao các loại giá cả đó không thể tự điều chỉnh theo tín hiệu thị trường?
Thị trường điện còn nặng độc quyền
Thị trường điện còn nặng độc quyền

Từ những thị trường cạnh tranh nhất

Lần khất mãi, cuối cùng các hãng taxi cũng bắt đầu nhúc nhích giảm giá cước. Động thái này lẽ ra phải được thực hiện nhanh và tương ứng với giá xăng dầu đã giảm sâu, song nó chỉ được thực hiện khi các bộ ngành đưa ra yêu cầu bắt buộc. Nhưng, việc giảm giá cũng mang tính “nhỏ giọt” và “đối phó”.

Ở TPHCM, các hãng taxi lớn như Vinasun và Mai Linh chỉ đăng ký giảm 500 đồng/ki lô mét từ ngày 2-2, một mức giảm chẳng đáng kể trong bối cảnh giá xăng dầu đã giảm mạnh. Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước là Sở Giao thông Vận tải không đồng tình. Các hãng này bị yêu cầu phải trình lại phương án giảm giá sâu hơn.

Ở Hà Nội, 52 doanh nghiệp kinh doanh taxi cũng đã buộc phải điều chỉnh giảm giá cước từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất. Tổng cộng, có 71 doanh nghiệp ở thủ đô đã điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại giá với mức giảm từ 4-17%  tính đến 20-1.

Tại một số địa phương khác, các hãng taxi cũng đã công bố hạ giá cước. Song, cũng như những trường hợp ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp taxi chỉ hạ giá vỏn vẹn từ 1,8-2,2%, một tỷ lệ không đáng kể, theo Bộ Tài chính. Mà mức giảm này chỉ được thực hiện sau khi có Thông tư liên tịch số 152 ngày 15-10-2014 của liên bộ Tài chính - bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; và sau những lần kiểm tra dồn dập của các bộ này. Rõ ràng, các hãng taxi, các hãng vận tải không hề muốn giảm giá tương ứng với giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm hơn 20 lần trong năm qua.

 Không như nhiều thị trường khác, vận tải là thị trường mang tính cạnh tranh bậc nhất ở Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều hãng taxi, hãng vận tải tư nhân. Giá cước vận tải cũng đã được vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu. Câu hỏi đặt ra, vì sao ở một thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy mà quy luật của thị trường, của cạnh tranh lại vắng bóng. Liệu có việc các hãng vận tải bắt tay nhau để ghìm giá? Liệu cơ cấu của chính thị trường đó, ví dụ như ở Hà Nội, có bị lệch lạc, méo mó bởi một nhóm nhỏ các hãng taxi thống lĩnh, chi phối thị trường? Ai đứng sau những hãng đó?

Nếu ý thức được quyền lợi của mình, người tiêu dùng lẽ ra cần tẩy chay những hãng taxi, hãng vận tải không giảm giá. Ở mức độ rộng hơn, những tổ chức xã hội như Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đưa ra khuyến cáo, cảnh cáo các hãng vận tải vì lợi ích của người dân. Cũng như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cần xắn tay áo vào cuộc, thay vì giữ thái độ im lặng như thường thấy.

Thật đáng tiếc, những thiết chế như vậy đến nay vẫn vắng bóng và thị trường vận tải được cho là có tính cạnh tranh nhất trong các thị trường lại thể hiện chiều hướng ngược lại, đến nỗi để các bộ phải thanh tra. Rõ ràng, vẫn đang còn thiếu rất nhiều thiết chế như vậy, và hơn nữa, để thị trường vận tải hoạt động theo đúng nghĩa thị trường.

Cho đến ngành điện còn nặng độc quyền

“Giá điện tăng, mọi người đều được lợi”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói một cách khẩn thiết với báo chí đầu tuần này trong nỗ lực chuẩn bị cho lộ trình tăng giá điện dự kiến sẽ diễn ra sau Tết. Ông giải thích: “Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất”. Hơn bất kỳ ngành nào, điện - mà cụ thể ở đây là EVN - gắn bó mật thiết với Nhà nước hơn cả. Thậm chí Chủ tịch HĐQT của EVN cũng vừa rời ghế để quay lại giữ ghế Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Trong một buổi gặp gỡ nội bộ do Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức gần đây, các giám đốc doanh nghiệp FDI đã bàn thảo ba vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, bạn có nghĩ Việt Nam nên lo lắng về ảnh hưởng của giá điện cao hơn đến việc thu hút đầu tư vào FDI?

Thứ hai, giá điện cao hơn (giả định 30-50%) trong trung hạn có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của công ty tại VN?

Thứ ba, bạn có ủng hộ việc giá điện cao hơn nếu nó mang đến cho các bạn sự cải thiện đáng kể trong việc cung cấp điện ổn định?

Theo một số giám đốc tham dự cuộc thảo luận này, nhiều ý kiến đã đồng tình với phương án tăng giá điện. Lý do đơn giản, sơ đồ của diễn giả thuộc VBF cho thấy ngành điện đang rất chênh vênh, khả năng đầu tư bị hạn chế, đàm phán với khu vực tư nhân trong lĩnh vực gas không có tiến triển và một số nhà đầu tư lớn đã rút khỏi Việt Nam để chờ đợi, những kế hoạch về điện hạt nhân đã bị hoãn sang sau năm 2020 từ sau chuyến thăm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA vào tháng 1-2014...

Ngược lại, dư luận trong nước lại không đồng tình với việc tăng giá điện. Vì sao?

Ngoài những yếu tố tâm lý như người tiêu dùng luôn muốn giá rẻ,... còn một yếu tố rất quan trọng là cơ cấu thị trường thiếu cạnh tranh. EVN gần như vẫn là người chơi duy nhất trên thị trường, cả phát điện và truyền tải. “Giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên phải tính toán đảm bảo giá điện tiếp cận giá thị trường, đảm bảo đủ chi phí và có lãi một chút. Điều quan trọng nhất là EVN phải tính giá thành một cách chính xác và công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói khi kết thúc cuộc gặp với tổ điều hành vĩ mô gồm bốn bộ là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh những thông tin về giá cả của EVN không thuyết phục được người tiêu dùng và thị trường.

Một lãnh đạo của EVN thậm chí còn thừa nhận là không thể tính được giá thành do sự phức tạp của nó. Nhưng, EVN chưa bao giờ thuyết phục được công luận về việc tính giá xây khách sạn, sân golf, hay tỷ lệ thất thoát điện cao do quản lý kém. Gần đây, Thủ tướng đã yêu cầu giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng, tăng năng suất lao động... để có giá thành điện hợp lý hơn. Đây là điều cần thiết, song nó chỉ có tác dụng khi thị trường có cạnh tranh thật sự.

Lộ trình còn gian truân

Những ví dụ từ những ngành độc quyền cao, cho đến ngành cạnh tranh tương đối đầy đủ như trên cho thấy các quy luật thị trường vẫn chưa có “đất sống” ở Việt Nam. Qua đó cho thấy vai trò của Nhà nước ngày càng lớn, nhất là trong việc sử dụng các biện pháp hành chính.

Trong thời gian tới, chắc chắn những loại giá, phí của các mặt hàng còn độc quyền như điện, hay những dịch vụ như y tế, giáo dục chắc chắn sẽ tăng, vì phải được “tính đúng, tính đủ” theo tinh thần của Kết luận 103 của Bộ Chính trị tháng 9-2014. Kết luận này yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế về giá, phí, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá”.

Có đến 67% số người được hỏi đồng tình Nhà nước phải can thiệp về giá trong một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cách đây ba năm. Tỷ lệ này, thậm chí còn tăng trong báo cáo tương tự trong năm 2014. Cơ cấu thị trường, đến tâm thức xã hội đều cho thấy con đường thị trường vẫn còn rất xa.

Đại sứ trưởng phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EC) tại Việt Nam ông Franz Jessen nhận xét với TBKTSG: “Việc Việt Nam đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường không phải một sớm một chiều mà được, cần có thời gian để nền kinh tế thích nghi, và thay đổi”. Ông nói: “Tôi xin khẳng định không hề có sự ngập ngừng hay do dự nào từ Liên hiệp châu Âu trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một khi Việt Nam thỏa mãn năm tiêu chí kỹ thuật của EU để đáp ứng nền kinh tế thị trường, chúng tôi sẽ công nhận Việt Nam”. Bóng đang ở sân mình.

                                                             Theo Stockbiz