Thị trường giao nhận thương mại điện tử: Ai nhanh hơn?

Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 2 tỷ USD trong năm 2013 thành 4 tỷ USD trong năm 2015. 
Thị trường giao nhận thương mại điện tử: Ai nhanh hơn?

Cùng với sự tăng trưởng đột biến của thị trường, dịch vụ giao nhận hàng đang thu hút sự đầu tư của hàng trăm doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ trong và ngoài nước.

Thị trường hoàn thiện

Theo ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Đầu năm nay, có một báo cáo cho rằng 42 triệu người Việt Nam được tiếp cận với internet và tốc độ tăng trưởng này lên đến 9%.

Internet đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người Việt Nam và tất nhiên, họ sẽ làm nhiều việc bằng phương thức trực tuyến hơn, bao gồm cả mua sắm.

"Lý do thứ hai là sự tiện lợi của TMĐT và lý do cuối cùng là dịch vụ giao hàng đã hoàn thiện, nhanh chóng và đúng giờ. Chất lượng tốt của hàng hóa và dịch vụ là những yếu tố quan trọng khiến khách hàng tin tưởng hơn vào mua sắm trực tuyến", ông Alexandre Dardy chia sẻ.

Theo ông Lương Duy Hoài, CEO của Giaohangnhanh.com, năm 2015, con số này sẽ vào khoảng 1,15 tỷ USD và mức độ tăng trưởng tầm 45% so với năm trước. Theo ông Hoài, hệ sinh thái TMĐT như quảng cáo, thanh toán, giao nhận, nền tảng bán hàng, bảo hành... hoàn thiện đáng kể và đang ngày một chứng minh hơn sự tiện lợi cho người tiêu dùng so với bán lẻ truyền thống.

Bên cạnh đó, sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của các công ty lớn trong và ngoài nước như Lazada, Zalora, Sendo, Muachung, Hotdeal... với các chiến dịch giảm giá mạnh mẽ và bán hàng khắp 63 tỉnh - thành tạo cho người dùng internet có cơ hội trải nghiệm mua hàng online. Lý do cũng quan trọng không kém là sự tăng trưởng nhanh chóng của lượng người dùng smartphone.

Cách đây 4-5 năm, TMĐT gặp một trong những "nút cổ chai" là niềm tin người mua hàng. Thời điểm đó chỉ có người mua hàng ở các thành phố lớn mới có cơ hội được thanh toán khi nhận hàng. Tại các tỉnh - thành, người mua hàng phải thanh toán trước và đây như là bức tường ngăn cản TMĐT mở rộng ra ngoài phạm vi TP.HCM và Hà Nội.

Từ năm 2012, các đơn vị giao nhận bắt đầu đầu tư vào quy trình kiểm soát quản lý COD (thanh toán khi nhận hàng) để có thể cung cấp dịch vụ giao hàng kèm thu hộ COD, từ đó tạo cơ hội để người mua hàng trải nghiệm mua hàng thử và tiếp tục mua tiếp. "Vấn đề giao nhận hoàn thiện là một trong những chìa khóa quan trọng để mở cửa thị trường TMĐT", ông Hoài khẳng định.

Năm 2012, đón đầu xu hướng phát triển TMĐT Việt Nam, Nguyễn Hoàng Duy, chàng trai 9x triển khai dịch vụ giao hàng 17 Phút. Từng bán hàng trên mạng, biết thanh toán trong giao dịch TMĐT vẫn là rào cản, Duy mạnh dạn áp dụng chính sách rất có lợi cho người dùng: thanh toán trước tiền cho người bán khi lấy hàng và nhận tiền từ người mua.

Nghĩa là doanh thu cho 17 Phút chỉ có khi giao dịch online ấy thành công. Phía người bán, được đảm bảo tuyệt đối nguồn thu. Loay hoay cả năm tạo quan hệ khách hàng, tổ chức đội xe giao nhận... nhưng số lượng đơn hàng chỉ dừng lại ở mức vài chục một ngày. Chi phí nhân lực, phụ cấp xăng xe... tính ra, doanh thu chỉ vừa đủ để ông chủ trẻ uống cà phê.

Nản, Duy quyết định khóa sổ dự án, giải tán đội xe nhưng khách hàng vẫn tiếp tục gọi đặt dịch vụ. Khóa sim giao dịch cả tháng trời, mở lại điện thoại, giao hàng 17 Phút vẫn nhận được đơn đặt hàng từ người bán. Những cuộc gọi giúp Duy tự tin hơn, lại bắt tay làm lại từ đầu cho 17 Phút.

Ở lần thứ hai, 17 Phút đã "bắt trúng sóng". Từ vài nhân viên ban đầu, nay đội xe của dịch vụ này đã có 8 nhân viên, với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng. Số lượng đơn đặt hàng của 17 Phút trên mức 200/ngày.

"Trong thị trường giao nhận hơn chục đơn vị lớn lẫn nhỏ tham gia như giaohangso1.vn, tochanh.vn, giaohangnhanh.vn, giaohangonline Rồng Xanh, Zozoship.vn... như hiện nay thì 17 Phút chỉ mới phục vụ 1 phần triệu nhu cầu của thị trường", Nguyễn Hoàng Duy chia sẻ.

Theo đánh giá của Duy, hiện các đơn vị khác đang đầu tư tổng lực và phát triển rất nhanh. Có đơn vị chia khu vực phụ trách giao hàng là mỗi nhân viên/phường hay huyện.

Điển hình như sự lớn mạnh của Giaohangnhanh.com, đơn vị được xem là nhanh chân và quyết liệt nhất trong thị trường giao nhận này. Để phục vụ giao hàng cho khoảng 12.000 đến 14.000 đơn hàng mỗi ngày cho hơn 2.000 khách hàng là những đơn hàng kinh doanh TMĐT, trong 3 năm qua, Giaohàngnhanh đã đầu tư đội ngũ tại gần 200 thành phố và huyện, và đang bám sát kế hoạch phủ 400 huyện vào tháng 6/2015.

Từ ngày đầu, Giaohangnhanh.com chỉ có 7 nhân sự nhưng hiện tại đơn vị này đã có hơn 1.000 nhân sự, với 15% trong số này là thuộc khối văn phòng, đặc biệt đội ngũ kỹ sư công nghệ tại Giaohangnhanh.com lên đến hơn 30 người vẫn ngày đêm xây dựng các hệ thống tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt cho Giaohangnhanh.com

"Giao nhận là một ngành rất cực, phải tổ chức đội ngũ nhân lực làm việc 24/24. Khi mọi người đi ngủ thì các trung tâm xử lý hàng phải làm việc, rồi hàng phải nhanh chóng được luân chuyển trong đêm để đưa đến các trạm giao hàng gần người nhận nhất, và ban ngày hàng ngàn nhân viên lại tỏa ra trên khắp các nẻo đường trên 63 tỉnh - thành để giao các gói hàng đến tay người mua", ông Hoài tiết lộ hình thức tổ chức đội ngũ giao nhận của mình như vậy.

Theo đánh giá của người điều hành Giaohangnhanh.com, việc các DN cung ứng dịch vụ giao nhận phục vụ TMĐT ra đời cũng như tập trung hóa chuyên môn, mỗi DN làm tốt mỗi nhiệm vụ, để cả thị trường phát triển.

Do vậy, để sử dụng dịch vụ này tốt nhất, đơn vị nên tuân thủ bộ quy trình chuẩn SOP (Standard Operating Procedure) mà các đơn vị chuyển phát cung cấp, để toàn bộ các giai đoạn được xử lý trơn tru và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Khép kín chuỗi Logistic

Hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistic TMĐT của các công ty giao nhận trong nước sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vòng 2 - 3 năm tới với sự tham gia của các DN giao nhận lớn.

Cuối năm 2012, Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft), chủ sở hữu ChợĐiệnTử.vn ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng hóa và giao hàng thu tiền trên toàn quốc Shipchung.vn.

Đây là đơn vị kinh doanh sàn giao dịch đầu tiên triển khai dịch vụ giao nhận theo mô hình trung gian, thông qua Shipchung.vn, các cá nhân, DN làm TMĐT có thể lựa chọn hãng chuyển phát phù hợp với nhu cầu vận chuyển hàng của đơn vị mình. Có thể nói, dịch vụ này là bước đệm kéo những đơn vị vận chuyển hàng đầu trong nước tham gia vào dây chuyền giao nhận cho TMĐT.

Ông Hán Văn Lợi, Giám đốc dự án Shipchung.vn, cho biết, hiện, số DN có hợp tác với Shipchung.vn tham gia vận chuyển các đơn hàng TMĐT đã đến con số 10 công ty.

Trong đó, có thể kể đến chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty Chuyển phát nhanh Tín Thành (Kerry TTC), Công ty Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) và Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco)...

Shipchung.vn có hình thức tổ chức khá đơn giản, rút ngắn các thủ tục và tạo sự thuận lợi tối đa cho người bán TMĐT. Người bán hàng chỉ cần vào www.shipchung.vn đăng ký tài khoản, nạp tiền vào tài khoản phí vận chuyển là có thể gọi chuyển phát ngay và được chọn các hãng chuyển phát trong số các đối tác.

Sau 2 năm triển khai, Shipchung.vn đã có gần 20.000 người bán sử dụng và chuyển phát trên 100.000 gói hàng hằng tháng với mức tăng trưởng trung bình 20 - 30% một tháng.

"Hiện tại Shipchung.vn đang xử lý trên 3.000 giao dịch mỗi ngày, trong đó có tới 95% là giao dịch COD. Chúng tôi thực hiện thu tiền hộ toàn quốc áp dụng với tất cả các đơn hàng và tự động đối soát trả tiền hoàn toàn trực tuyến vào ví điện tử NgânLượng.vn các ngày thứ 3 và thứ 6 hằng tuần. Điều đặc biệt là những giao dịch này hoàn toàn phi giấy tờ, nghĩa là người bán không cần ký bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến đối soát thanh toán", ông Lợi chia sẻ.

Lý giải vì sao các thương hiệu ngành bưu chính đến nay vẫn chưa "đổ bộ” vào thị trường giao nhận TMĐT, ông Lương Duy Hoài, CEO của Giaohàngnhanh cho rằng, giao hàng cho TMĐT cực hơn chuyển phát hàng thông thường rất nhiều, vì đó không đơn thuần là việc giao nhận hàng hóa mà người giao hàng còn là đại diện người bán đến bán hàng cho người mua sau đó thu hộ tiền chuyển về cho người bán.

"Có đến 1.001 tình huống có thể phát sinh khi đến giao hàng TMĐT trong khi thị trường TMĐT vẫn còn rất nhỏ, ít hơn 10% so với tổng thị trường bưu chính nên các đơn vị bưu chính chưa tập trung vào là điều dễ hiểu", ông Hoài nhận định.

Tuy thị trường vẫn còn nhỏ so với tổng thị trường bưu chính nhưng nhìn thấy được tiềm năng, các "ông lớn" trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát cũng tỏ ra ngày càng quan tâm đến thị trường giao nhận cho TMĐT.

Chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Quốc Anh, Tổng giám đốc Viettel Post, cho biết, đơn vị này đang tăng cường các dịch vụ hậu cần cho TMĐT như kho bãi, đội ngũ giao nhận, giám sát hành trình giao nhận... nhằm đón đầu sự phát triển của nhóm khách hàng này.

Và, khi thị trường giao nhận phục vụ TMĐT đã có sự tham gia của những "ông lớn", theo lời của ông Lương Duy Hoài thì các đơn vị kinh doanh TMĐT và người mua hàng được hưởng lợi, vì cạnh tranh luôn mang lại sự phát triển cho kinh tế thị trường.

Chi phí logistics trung bình hằng năm ở Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP trong khi ở Mỹ hoặc Thái Lan chỉ từ 7-18%. Một số DN TMĐT cho rằng việc hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistic TMĐT của các công ty giao nhận trong nước sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vòng 2-3 năm tới. Dự báo giai đoạn 2016-2017 sẽ xuất hiện thêm nhiều dịch vụ TMĐT.

Đủ lớn cho tất cả

Các DN giao nhận lớn như VNPost, Viettel Post đều đã nhảy vào thị trường giao nhận TMĐT, cạnh tranh trực tiếp với các DN mới như Giaohangnhanh.com, Sendo... Nhưng miếng bánh giao nhận vẫn còn đủ lớn cho tất cả.

Trên thực tế, các DN truyền thống như VNPost, Viettel Post,... đều đaỡ tham gia cung cấp dịch vụ giao nhận kinh doanh trực tuyến từ nhiều năm nay, nhưng do mô hình hoạt động chưa thật sự phù hợp nên thiếu hẳn sức hút với các DN bán hàng qua mạng. Hơn nữa, chi phí và tốc độ giao hàng của các công ty này thiếu tính cạnh tranh so với các DN tư nhân quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, trước sự hấp dẫn của thị trường giao nhận TMĐT, VNPost ngoài nhóm khách hàng chuyển phát bưu chính thì nay đã tổ chức bộ phận kinh doanh dành cho các DN TMĐT. Về thanh toán, người mua hàng trực tuyến có thể trả tiền mặt tại bưu cục hoặc yêu cầu nhân viên bưu điện giao hàng và nhận tiền tại nhà.

Trong khi các công ty khối bưu chính tăng cường phục vụ nhóm khách hàng là các trang web bán hàng trực tuyến hay các sàn giao dịch TMĐT, thì dịch vụ giao nhận Seabornes (Công ty Song Bình) - đại lý độc quyền của FedEx Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ COD cho các trang web TMĐT quy mô lớn như Sendo, Zalora, Deca...

Trong khi đó, ông Trần Hải Linh, CEO Sendo.vn, cho biết, ngay từ năm 2012, khi được Tập đoàn FPT giao nhiệm vụ phát triển mảng TMĐT, FPT đã tập trung giải quyết bài toán giao nhận và thanh toán. "Sendo.vn là sàn giao dịch TMĐT đầu tiên tại Việt Nam mà 100% các giao dịch mua bán được bảo đảm thanh toán và vận chuyển bằng hệ thống vận hành của Sendo.vn", ông Linh chia sẻ.

Cũng với hình thức thu hộ (COD), người mua hàng ở Sendo.vn khá yên tâm khi biết rằng tiền chỉ được chuyển cho người bán khi mà họ đã nhận được hàng hóa đúng như cam kết, còn người bán cũng hoàn toàn yên tâm là Sendo.vn sẽ đứng ra bảo đảm họ nhận được tiền hàng khi hàng hóa đã được chuyển cho người mua.

"Tại Sendo.vn, cũng như các giao bán hàng khác, hơn 90% các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt. Những đảm bảo trong khâu giao hàng và thu hộ tiền giúp cho người bán hàng tăng doanh số lên rất nhanh, bởi số người mua hàng có khả năng thanh toán điện tử ở Việt Nam là không nhiều".

Để làm được như thế, theo ông Linh, Sendo.vn đã đầu tư hệ thống vận hành lớn và bài bản kèm quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ về xử lý đơn hàng và giao nhận hàng hóa. Tất cả nhằm tạo giá trị cộng thêm cho người bán online trên trang của mình. Cụ thể, bán hàng trên Sendo.vn, người bán sẽ được hưởng dịch vụ vận chuyển có cam kết chất lượng cao với mức phí thấp hơn thị trường.

"Do khối lượng giao dịch trên Sendo.vn lớn nên các nhà vận chuyển sẽ cung cấp cho chúng tôi mức phí tốt. Ngoài giao hàng, thu hộ tiền, chúng tôi còn có nhiệm vụ trở thành đơn vị đứng ra đại diện cho các shop làm việc với các nhà vận chuyển nếu chẳng may xảy ra trục trặc trong quá trình giao nhận. Trong hầu hết đơn hàng, nếu do lỗi nhà vận chuyển mà để xảy ra mất mát thì các shop sẽ được đền bù 100% giá trị hàng hóa", ông Linh cho biết.

Đồng quan điểm, ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, giao nhận chính là điểm mấu chốt để kinh doanh nên phải đầu tư vào công nghệ logistic từ những ngày đầu tiên. Do vậy, đơn vị này đầu tư khá nhiều vào hệ thống phân phối của Lazada, bao gồm đội ngũ giao hàng, gọi là LEX (LazadaExpress).

Lazada còn sử dụng dịch vụ của bên thứ ba được cung cấp bởi VNPost, Viettel, Giaohàngnhanh... Tùy thuộc vào loại hàng, vị trí của khách hàng, hệ thống của Lazada sẽ quyết định dịch vụ để sử dụng phù hợp. Với lượng đơn hàng ngày một tăng cao và mở rộng ra các tỉnh - thành, Lazada đã mở nhà kho tại Hà Nội vào năm ngoái và gần đây hợp tác với FPT để cải thiện dịch vụ giao hàng.

Trong đó đặc biệt có dịch vụ đảm bảo để giao 80% các mặt hàng FPT shop chỉ trong vòng 1 giờ. "Trong khu vực Đông Nam Á, Lazada có 8 nhà kho, 50 trung tâm phân phối và chúng tôi làm việc với 60 chuyển phát nhanh và công ty vận chuyển để cung cấp cho khoảng 80 thành phố trên 6 quốc gia", ông Alexandre Dardy tiết lộ về lợi thế của giao nhận Lazada như vậy.

Tuy đẩy mạnh đầu tư nhưng các đơn vị kinh doanh này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Hải Linh cho biết, với quy mô của ngành TMĐT lớn lên không ngừng, dòng tiền đầu tư vào các dịch vụ giao nhận, vận chuyển cũng đang tăng ở mức rất cao. Đó chính là lý do thời gian gần đây, các đơn vị giao nhận đều rục rịch tăng giá dịch vụ.

"Cũng mừng là các đối tác giao nhận đều chia sẻ với các sàn về dự án đầu tư quy mô lớn để mở rộng dịch vụ và nâng cao chất lượng. Chúng tôi coi đây là một yếu tố rất tích cực, giúp thị trường ngày càng phát triển", ông Linh nói.

Theo DNSG