Thị phần cho vay: “Big 4” thất thế trước “tứ hùng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thị phần tín dụng của nhóm 4 ngân hàng TMCP nhà nước Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đang dần về tay nhóm 4 ngân hàng tư nhân có vốn hoá lớn nhất là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB.

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, thị phần của các “Big 4” này đang giảm dần trong những năm gần đây.

Cụ thể, trong 2 năm tính đến cuối quý 3/2020, thị phần tín dụng của nhóm này đã giảm 2,74%. Ngược lại, nhóm 4 ngân hàng tư nhân có vốn hoá lớn nhất là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB đã tăng thêm 1,58% thị phần.

Trường hợp đáng chú ý nhất là Vietinbank khi thị phần tín dụng đã giảm 1,96%. Trong khi đó, thị phần của BIDV giảm 0,7%, còn Vietcombank giảm 0,08%.

VDSC cho rằng, việc thị phần của Vietinbank bị thu hẹp là kết quả của nền tảng vốn mỏng. Không có đợt tăng vốn đáng kể nào trong những năm qua, lợi nhuận trên vốn (ROE) thấp, tỷ trọng trích quỹ khen thưởng và phúc lợi cao và thường xuyên phải phân phối lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ ngân sách Nhà nước đã làm cạn kiệt bộ đệm vốn. Các quy định chặt chẽ hơn về vốn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu cũng gây áp lực lên Vietinbank.

Một trong những nguyên nhân khiến các “Big 4” tăng trưởng chậm là dư địa hạn chế trong việc pha loãng tỷ lệ sở hữu Nhà nước. Trước khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được ban hành, ngành ngân hàng không nằm trong số các ngành mà Chính phủ được phép đầu tư bổ sung vốn.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietinbank đã ở mức tối thiểu 65% trong nhiều năm. Tuy Chính phủ đã có ý định giảm tỷ lệ này xuống 51% vào năm 2025, nhưng vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào được ban hành để hướng dẫn thực hiện thoái vốn.

Dù cũng đang khát vốn, nhưng Vietcombank và BIDV có dư địa lớn hơn để pha loãng cổ phần của Nhà nước.

Do đó, Nghị định 121 mới được ban hành sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng quốc doanh phát hành riêng lẻ, được kỳ vọng làm cải thiện nguồn vốn và triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết thời gian qua vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước có được cải thiện, nhưng sự cải thiện đó, chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam.

“Với vốn điều lệ các ngân hàng nhà nước hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng trong khu vực” - ông Tú nói.

Tại BIDV, ông Tú cho biết, hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỉ đồng, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II. Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN cho phép nhà băng này được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu.

Cũng đề cập tới việc tăng vốn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, kiến nghị phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của nhà nước cho thời gian 5 năm để tránh bị động, đáp ứng được nhu cầu hoạt động.

Ví dụ đối với Agribank, ông Ấn cho biết, mặc dù tới đây sẽ được cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận của năm 2019 thì hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6% và nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7%, thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, trong năm 2021 Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm.

Đối với câu chuyện cổ phần hóa Agribank, theo ông Ấn, việc này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 126/2017 và Nghị định 140/2020, Agribank sẽ mất khoảng 2 năm để cổ phần hóa nếu triển khai thủ tục thuê tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Chủ tịch Agribank dẫn kinh nghiệm từ Vietcombank, VietinBank, BIDV cho thấy sau khi cổ phần hóa khoảng 4-5 năm, cổ phiếu được niêm yết, thông tin minh bạch hơn thì nhà đầu tư nước ngoài mới thực sự quyết định đầu tư.

Do đó, ông Ấn đề nghị cho phép Agribank thí điểm cổ phần hóa theo 2 giai đoạn.

Trong đó, Agribank sẽ cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên với tỷ lệ danh nghĩa, dưới 1%, rồi tiến hành niêm yết sau 6 tháng.

Sau khi niêm yết, mọi thông tin về Agribank được minh bạch, nhiều tồn tại được khắc phục, giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ dễ dàng hơn./.