Sau khi Evergrande (Hằng Đại), gã khổng lồ bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, bộc lộ những khoản nợ gây kinh ngạc, một công ty bất động sản khác là Country Garden (Bích Quế Viên), hôm thứ Ba (8/8) đã tiết lộ họ đã không trả được lãi bằng USD cho hai khoản nợ, khiến cổ phiếu của công ty ở sàn chứng khoán Hong Kong sụt giảm hơn 14%.
Hãng Bloomberg đưa tin, một số người nắm giữ hai loại trái phiếu công ty của Country Garden cho biết đến chiều ngày 8/8 họ chưa nhận được tiền lãi cho trái phiếu. Các nhà đầu tư này yêu cầu giấu tên vì họ chưa được phép phát biểu công khai.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Country Garden có hai loại trái phiếu bằng USD: một loại đáo hạn vào năm 2026 phải trả lãi 10,5 triệu USD, và một loại đáo hạn vào năm 2030 phải trả 12 triệu USD tiền lãi. Tổng cộng, họ đã không trả được cho các nhà đầu tư 22,5 triệu USD tiền lãi đúng hạn.
Ngày 7/8, Country Garden tuyên bố họ đã trả trước tiền lãi của một loại trái phiếu, điều này dường như mang lại chút niềm tin. Nhưng trước ngày 8/8, Country Garden đã ngửa bài, nói rằng họ vẫn chưa trả được lãi cho hai loại trái phiếu bằng USD đáng lẽ phải trả vào ngày 7/8. Theo định nghĩa về vỡ nợ nước ngoài, việc không trả được tiền khi đến hạn được coi là vỡ nợ. Nhưng có thời gian ân hạn 30 ngày đối với các khoản thanh toán lãi đối với khoản nợ bằng USD, vì vậy Country Garden vẫn còn dư địa để được cứu.
Sau khi thông tin này vừa lan ra, Country Garden lập tức bị hứng đòn, trái phiếu sụt giảm 30% giá trị, cổ phiếu giảm 14% khi khép phiên.
Country Garden tuyên bố rằng họ đang cải thiện việc thu xếp vốn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ. Công ty cũng nói thêm, lượng tiền mặt khả dụng của họ đã giảm do môi trường bán hàng và huy động vốn ngày càng tồi tệ cũng như tác động của các quy định giám sát, cho thấy "áp lực thanh khoản theo chu kỳ".
Tuyên bố cho biết "công ty đã kiên trì, nhưng rất khó để nhìn thấy ánh sáng", và nhấn mạnh khi toàn ngành phải vật lộn với "những khó khăn chưa từng có", họ đang nỗ lực để đảm bảo việc giao nhà và trả nợ.
Nicholas Chen, một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Credit Sight ở Singapore, cho biết: “Country Garden đang phải vật lộn với các khoản thanh toán lãi chứ không phải trả nợ gốc cho trái phiếu, điều này có lẽ cho thấy tính thanh khoản của họ khó khăn như thế nào”.
“Sinh viên gương mẫu” của ngành bất động sản
Country Garden là nhà phát triển bất động sản có 31 năm lịch sử, từng được chính phủ Trung Quốc ca ngợi là "sinh viên gương mẫu" trong ngành, nhưng đã không trả được lãi cho hai trái phiếu, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc.
Xét về doanh số bán nhà, Country Garden từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, hiện đã tụt xuống vị trí thứ 6. Điều này cho thấy ngay cả công ty hùng mạnh nhất cũng có thể gặp khó khăn sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Country Garden vào khoảng 1,4 nghìn tỉ NDT (khoảng 194 tỉ USD).
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, nếu cộng tất cả tiền và trái phiếu, Country Garden có tới hơn 2 tỉ USD tiền nợ phải thanh toán trong năm nay.
Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 58% trong năm nay do các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ liệu Country Garden có tồn tại được sau làn sóng vỡ nợ đang càn quét lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc hay không.
Các nhà phân tích cho rằng Country Garden có sự hiện diện tương đối lớn ở các thành phố cấp hai và cấp ba của Trung Quốc, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi doanh số bán nhà yếu.
Bloomberg chỉ ra rằng Country Garden trước đây là một trong số ít các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc chưa vỡ nợ. Khi Trung Quốc tìm cách vực dậy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, việc Country Garden không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã mong manh của thị trường.
Từ cuối năm 2021 đến nay, lĩnh vực bất động sản rộng lớn của Trung Quốc đã chứng kiến một loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển do thiếu tiền mặt, trong đó nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới là China Evergrande Group, là trung tâm của cuộc khủng hoảng.
Tiếp tục sa vào khủng hoảng
Tờ Wall Street Journal đưa tin, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính không phải là tin tức mới. Nhưng khoảng 3 năm sau khi thị trường bất động sản bắt đầu suy yếu, cuộc khủng hoảng niềm tin đột ngột ở Country Garden cho thấy các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã ăn sâu và các giải pháp thực sự vẫn bất cập.
Bloomberg đưa tin, mặc dù đã có dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định hành động nhanh hơn để giúp đỡ các nhà phát triển bất động sản, nhưng vẫn chưa rõ liệu Country Garden có phải là một trong những công ty được hưởng lợi hay không. Country Garden đã không có tên trong danh sách đại biểu các doanh nghiệp tư nhân mà Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng đã gặp mặt gần đây, nhưng vào thời điểm đó, PBoC cho biết họ hy vọng hiểu được những khó khăn trong ngành.
Bà Kristy Hung, nhà phân tích bất động sản tại Bloomberg Intelligence, cho biết: "Bất kỳ vấn đề thanh khoản nào tại Country Garden đều có thể ảnh hưởng đến việc bàn giao 651.000 căn nhà bán trước ở Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là chính quyền “sẽ ra tay can thiệp khi cần" để cung cấp sự giúp đỡ (Country Garden)".
Theo Sohu ngày 9/8, giữa lúc này phía Country Garden lại có một số động thái đáng chú ý: Lý Trường Giang, Chủ tịch của Country Garden Services, đã giảm cổ phần của mình tại công ty này bằng cách thanh lý, chỉ giữ lại 0,11% cổ phần. Bà Dương Huệ Nghiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Country Garden cho biết, sẽ quyên góp 20% vốn cổ phần của Country Garden Service, tổng trị giá 6,4 tỉ USD, cho Quỹ từ thiện Quốc Cường (Hong Kong).
Vào thời điểm nhạy cảm này, việc các nhà điều hành của Country Garden giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần và tặng cổ phần khiến người ta khó có thể không liên tưởng đến việc họ đang “di chuyển tài sản”.
Theo Sohu, Deutsche Welle