Thêm doanh nghiệp xin bỏ cọc đất Thủ Thiêm, còn “tay chơi” thứ 3 thì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ít gây chú ý hơn mức giá kỷ lục mà nhóm Tân Hoàng Minh xác lập ở lô đất 3-12, song mức giá đấu thành công của Bình Minh ở lô đất 3-9 tại Thủ Thiêm cũng rất đáng nể, lên tới 1 tỉ đồng/m2.
Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh cũng xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm
Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh cũng xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm

Cục thuế TP. HCM vừa nhận được văn bản của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Bình Minh) về việc xin bỏ cọc trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3-9 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thành lập từ tháng 9/2021, Bình Minh có mối liên hệ với một tập đoàn hàng đầu, sở hữu nhiều bất động sản ở khu vực phía Bắc. Doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng lô đất 3-9 với mức giá 5.026 tỉ đồng - cao gấp 7 lần mức giá khởi điểm, tương đương 1 tỉ đồng/m2.

Trong khi đó, lô đất 3-9 do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt) đấu giá thành công với mức giá trúng lên tới 24.500 tỉ đồng. Các lô đất 3-5 và 3-8 lần lượt do CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đấu giá thành công với mức giá trúng lần lượt là 3.820 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng.

Như VietTimes từng đề cập, Ngôi Sao Việt là thành viên của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đều có mối liên hệ với một đế chế bất động sản – tài chính danh tiếng, sở hữu danh mục dự án đồ sộ ở vùng lõi Tp. HCM.

Với quy mô lên tới 1,6 tỉ USD, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm không chỉ nhận được sự quan tâm lớn của dư luận mà còn đặt ra vấn đề về rủi ro dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản.

Trong bối cảnh đó, cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… với các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đấu giá các lô đất Thủ Thiêm. Kết quả rà soát tính đến trung tuần tháng 1/2022 của NHNN cho thấy, không ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay tiền mua đấu giá đất Thủ Thiêm.

Dòng vốn tín dụng bị siết lại đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tự xoay sở ‘tiền tươi’ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá với nhà nước. Giá trúng càng cao thì áp lực càng lớn.

Và như đã thấy, lần lượt Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) và Bình Minh – 2/3 ‘tay chơi’ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm - đã xin bỏ cọc. Không loại trừ khả năng ‘tay chơi’ còn lại cũng sẽ lựa chọn phương án này.

Theo thông báo phát đi hôm 6/1 của Cục thuế Tp. HCM, các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ trước ngày 6/2/2022. Tuy nhiên, tính đến chiều ngày 8/2, hệ thống của Cục thuế Tp. HCM vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp còn lại./.