Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết khi trả lời báo chí bên lề Tọa đàm trực tuyến Bất động sản 2015 – Nóng với gói hỗ trợ của chính phủ do Báo Điện tử Infonet tổ chức chiều ngày 15/1 tại TP.HCM.
Ngoài việc có thêm 10 ngân hàng tham gia cho vay, ông Minh cũng cho biết đã có thêm nhiều giải pháp nhằm giúp cho việc giải ngân trong gói hỗ trợ thị trường bất động sản được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đầu tiên là việc công chứng nhà ở hình thành trong tương lai, Sở Tư pháp TP.HCM đã chỉ đạo cho các phòng công chứng để giải quyết cho người có nhu cầu. Thứ hai là việc xác nhận thực trạng nhà ở đi vay trong gói 30 nghìn tỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho các quận, huyện, từ đó chỉ đạo các xã phường thực hiện việc này cho người dân.
“Với việc thêm cơ chế mới đó là mở rộng đối tượng cho vay, giảm thêm lãi suất, tăng thời hạn cho vay lên 15 năm, tăng số lượng ngân hàng cho vay… thì việc cho vay trong gói hỗ trợ kỳ vọng sẽ lan tỏa hơn trong thời gian tới”, ông Minh nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Minh hiện nay việc truyền thông để người dân có nhu cầu có thể tiếp cận với gói 30 nghìn tỷ vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Không chỉ người vay mua nhà trong các dự án nhà ở xã hội mới được tham gia vay mà đối tượng cho vay đã được mở rộng hơn rất nhiều nhưng hiện nay nhiều người dân trên địa bàn thành phố chưa biết đến thông tin này.
Chẳng hạn, người dân hiện sinh sống tại TP.HCM nhưng chỉ có sổ KT3, không có tài sản thế chế chấp nhưng ông Minh cho biết nếu thuộc đối tượng của chương trình này theo quy định tại Thông tư 07, Thông tư 11 và Thông tư 32, thì người dân có thể vay tiền ngân hàng để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp mà không cần tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp chính là căn nhà mà người dân sẽ vay để mua (tài sản hình thành trong tương lai.